Trong thông cáo báo chí, các nhà khoa học sử dụng thuật ngữ “sugar rush” (sốt đường) là thèm ăn đồ ngọt hoặc uống một thức uống ngọt để cải thiện tâm trạng. Để nghiên cứu chi tiết hơn các tác động của đường, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 31 nghiên cứu gồm 1260 người trưởng thành, điều tra các phản ứng sinh lý và tinh thần đối với lượng carbohydrate (đường là carbohydrate đơn giản).
Trong cuộc nghiên cứu này các chuyên gia quan tâm đến ảnh hưởng của đường với các khía cạnh tâm trạng khác nhau, gồm tức giận, tỉnh táo, buồn rầu và mệt mỏi.
Ngoài ra, các nhà khoa học muốn làm sáng tỏ lượng đường được tiêu thụ có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách phản ứng đối với nỗ lực tinh thần và thể chất.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, việc tiêu thụ đường với bất kỳ số lượng nào hầu như không ảnh hưởng đến tâm trạng, bất kể bạn hoạt động như thế nào sau khi ăn đồ ngọt.
Ngược lại, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, những người ăn đồ ngọt ngay sau nửa tiếng đồng hồ cảm thấy mệt mỏi hơn, và sau một tiếng - ít tỉnh táo hơn (so với những người không sử dụng "doping" ngọt).
“Ý nghĩ rằng, đường có thể cải thiện tâm trạng, đã tác động mạnh đến văn hóa đại chúng. Ý nghĩ đó có ảnh hưởng lớn tới nỗi mọi người trên khắp thế giới đều uống đồ uống có đường để trở nên tỉnh táo hơn và chống lại sự mệt nhọc. Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rất rõ ràng rằng, những tuyên bố như vậy đều không có cơ sở”, - Tiến sĩ Konstantinos Mantantzis, chủ nhiệm nghiên cứu tại Đại học Humboldt của Berlin, nhận xét.
Ông giải thích thêm, ông muốn làm sáng tỏ vấn đề "sugar rush" vì có một số nghiên cứu chỉ ra rằng đường ảnh hưởng đến cái gọi là "trung tâm vui sướng" trong não người. Nhiều tác phẩm xác nhận rằng, ăn đồ ngọt sau một thời gian ăn kiêng làm cho con người tràn đầy năng lượng và hạnh phúc hơn. Nhưng, có cả những nghiên cứu khác với kết quả ngược lại. Các chuyên gia giải thích rằng, các yếu tố kích thích vùng vui thích trong não bộ chỉ đơn giản không thể mang lại cảm giác hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi ăn đồ ngọt con người cảm thấy dễ chịu hơn nhiều so với không ăn. Kết quả là, trên thế giới ngày càng tăng lên số người thích đồ ngọt để giảm căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm. Tất cả điều này gây hại cho trạng thái tâm lý thậm chí nhiều hơn bởi vì vấn đề không được giải quyết (vì nguyên nhân của căng thẳng hoặc trầm cảm vẫn không biến mất và đôi khi thậm chí còn tồi tệ hơn).
Ngoài ra, lạm dụng đường dài hạn gây hại cho sức khỏe con người. Đầu tiên, trí nhớ, sự chú ý của người thích ăn đồ ngọt giảm dần. Thứ hai, các nhà nghiên cứu cảnh báo nguy cơ “lây lan” bệnh béo phì, tiểu đường và rối loạn chuyển hóa.
Chính bởi vậy các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, cần phải thông báo cho công chúng về những rủi ro thực tế liên quan đến việc tiêu thụ đường với số lượng lớn.
"Hy vọng rằng, những phát hiện của chúng tôi sẽ giúp vạch trần lời đồn về đường và tạo cơ sở cho các chính sách y tế mới để giảm tiêu thụ đường", - Giáo sư Elizabeth Maylor, đồng tác giả từ Đại học Warwick ở Anh cho biết.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu thừa nhận rằng, trong phân tích tổng hợp này họ đã xem xét dữ liệu của những người tương đối khỏe mạnh, vì thế có khả năng đường có thể tác động theo cách khác lên những người bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng (rối loạn cảm xúc).