Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (CQĐT) vừa có kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị truy tố hai bị can Nguyễn Văn Tùng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH XD TM DV SX Hùng Thanh - Công ty Hùng Thanh, chủ đầu tư chung cư Carina) và Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Trưởng ban Quản lý - BQL chung cư Carina) về tội “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”. Cả hai bị can đều đang được tại ngoại.
Theo KLĐT, lúc 1 giờ 15 phút 56 giây ngày 23.3.2018 xuất hiện tia lửa tại khu vực để chân xe máy hiệu Attila, rồi lan sang khu vực khác gây cháy lớn. Tuy nhiên, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động không hoạt động dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 13 người tử vong, trên 60 người bị thương cùng gần 600 xe bị hư hỏng nặng.
CQĐT xác định dù được BQL chung cư Carina thông báo về tình trạng hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động không hoạt động, nhưng ông Nguyễn Văn Tùng không triển khai sửa chữa, thay thế; đối với nguyên Trưởng BQL chung cư Carina, Tuấn biết rõ tình trạng hệ thống PCCC không hoạt động nhưng với tư cách là Trưởng BQL chung cư trong giai đoạn từ ngày 1.6.2017 - 14.8.2017 và giai đoạn từ ngày 1.3.2018 đến khi xảy ra vụ cháy, Tuấn không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, kiên quyết yêu cầu Công ty Hùng Thanh phải thay thế, sửa chữa nhằm khắc phục, vận hành hoạt động báo cháy, chữa cháy, cứu hộ.
VKS nói có tội, CQĐT không khởi tố
Tuy nhiên, sau khi có KLĐT đã gây ra nhiều tranh cãi, khi CQĐT đã không xem xét trách nhiệm một số cá nhân, đơn vị liên quan trong việc để hệ thống PCCC tự động tại chung cư Carina không hoạt động trong thời gian dài. Ngoài ra, quá trình điều tra vụ án, giữa Viện KSND TP.HCM (VKS) và CQĐT cũng có nhiều quan điểm khác nhau.
Cụ thể, đối với cán bộ quản lý địa bàn thuộc PCCC Công an Q.8 là ông Đỗ Văn Vinh, theo CQĐT, trong thời gian ông Vinh quản lý địa bàn đã thực hiện 7 lần kiểm tra, trong đó 2 lần phát hiện lỗi vi phạm, đề nghị xử lý vi phạm hành chính với các lỗi vi phạm tại chung cư Carina. Nhưng do BQL chung cư Carina có dấu hiệu đối phó với công tác kiểm tra PCCC, nên hành vi thiếu trách nhiệm của ông Vinh không có mối quan hệ nhân quả với vụ cháy. Vì thế, CQĐT cho rằng chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Vinh.
Ngược lại, VKS xác định ông Vinh là người trực tiếp làm công tác PCCC. Cư dân đóng tiền về PCCC nhưng ông Vinh đã không làm hết trách nhiệm, đi kiểm tra hời hợt, không thực hiện hết chức trách của người cán bộ PCCC, sau khi kiểm tra không có kiến nghị, báo cáo là thiếu tinh thần trách nhiệm, dẫn đến khi đám cháy xảy ra, hệ thống báo cháy, chữa cháy không hoạt động, một phần nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên Vinh phải chịu trách nhiệm.
Đối với Công ty CP dịch vụ địa ốc Sài Gòn (Công ty Sejco), theo hồ sơ vụ án, chung cư Carina được nghiệm thu đưa vào sử dụng ngày 28.10.2011. Đến ngày 15.12.2016, Công ty Hùng Thanh ký hợp đồng thuê Công ty CP dịch vụ địa ốc Sài Gòn (Công ty Sejco) quản lý, vận hành chung cư Carina. Trong đó ông Trần Kim Lương, Phó giám đốc Công ty Sejco, là người trực tiếp ký hợp đồng với Công ty Hùng Thanh.
Về trách nhiệm của ông Lương, theo CQĐT, ông Lương xác định Ban Giám đốc Công ty Sejco đã chuyển giao trách nhiệm thực hiện hợp đồng trên cho BQL chung cư Carina thông qua Bảng mô tả công việc và email của Trưởng BQL chung cư. Vì vậy, trách nhiệm của ông Lương không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả vụ cháy xảy ra, và hành vi của ông Lương chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự.
Ngược lại, theo VKS, dựa vào hợp đồng giữa Công ty Hùng Thanh và Công ty Sejco, thì Sejco có nghĩa vụ cung cấp nhân sự quản lý, vận hành tòa nhà; kiểm tra, giám sát việc quản lý vận hành liên quan đến hoạt động của chung cư, gồm: thang máy, đảm bảo PCCC, dụng cụ thiết bị PCCC, máy phát điện dự phòng… Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra vụ cháy, Sejco không bố trí trực camera an ninh từ 18 giờ - 6 giờ sáng hôm sau, không theo dõi và phát hiện kịp thời đám cháy; thời điểm cháy, các cửa thoát hiểm đều mở, dẫn đến khói xông lên gây thiệt hại; hệ thống chữa cháy có vách tường có họng, có lăng nhưng không có vòi phun nên không chữa cháy kịp thời; hệ thống báo cháy tự động không hoạt động.
Ngoài ra, quá trình điều tra, vụ án có khởi tố thêm cá nhân nào hay không đã gây nhiều tranh cãi khiến các cơ quan liên quan phải họp liên ngành. Trong đó, VKS vẫn luôn nêu quan điểm, do ông Đỗ Văn Vinh và Trần Kim Lương luôn né tránh trách nhiệm, quanh co chối tội, không hợp tác điều tra và chính CQĐT không quyết liệt đấu tranh với hai người này, nên VKS có đề nghị CQĐT cần khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam Lương, Vinh.
Kể cả phía Thành ủy TP.HCM cùng Công an TP.HCM cũng nêu quan điểm cần khởi tố Trần Kim Lương. Bởi, qua dữ liệu camera thu giữ, khi phát sinh đám cháy, lực lượng bảo vệ không đủ, không phát hiện sớm đám cháy dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, đối với cửa thoát hiểm bị mở, nếu bảo vệ có nghiệp vụ kiểm tra, đóng cửa thì khói độc sẽ không tràn lên gây chết nhiều người ở đây bảo vệ không được tập huấn, hướng dẫn. Do vậy, cần xem xét trách nhiệm của Lương, người chịu trách nhiệm tổ chức BQL, là người ký hợp đồng thuê bảo vệ.