Theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Séc, ngày 8/4, trang halonoviny.cz của Séc đã đăng bài viết với tiêu đề "Việt Nam: Mô hình phát triển thành công," đánh giá sau hơn 40 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển đất nước và được cộng đồng quốc tế xem là mô hình phát triển thành công.
Theo bài báo, sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam đã phải đối mặt với khó khăn trong 10 năm do hậu quả của chiến tranh để lại.
Tình hình bắt đầu được cải thiện kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách “Đổi mới” vào năm 1986, với việc định hướng tư duy mới được áp dụng trong nền kinh tế và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ nhất, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã thành công trong cải cách kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài . Từ sau những năm 1990, GDP của Việt Nam đã tăng gần gấp 3 lần và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định liên tục với khoảng 7.5% mỗi năm.
Thậm chí, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng. Năm 2018, mặc dù nhiều biến động kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 7.08%.
Với lợi thế về tính linh hoạt của nền kinh tế và giá nhân công rẻ cùng với chính sách khuyến khích cạnh tranh và thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và an ninh xã hội được đảm bảo.
Thực tế, hơn 1/3 trong tổng số các khoản đầu tư trong xã hội ở Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa và các mục tiêu tương tự khác.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới thành công trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, đáp ứng các yêu cầu của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs).
Trước khi bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam là 58%, song cho đến nay con số này đã giảm xuống còn dưới 6%.
Thứ ba, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Với chính sách đối ngoại đa phương và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, kể từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977 đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 180 nước cũng như có quan hệ thương mại với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Việt Nam đã thể hiện sự chủ động và tích cực trong công tác hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết, thực thi 12 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, trong đó có những Hiệp định rất quan trọng như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) đã được Việt Nam phê chuẩn từ cuối năm 2018 hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU ( EVFTA ) hiện đang được Nghị viện châu Âu xem xét để ký và phê chuẩn...
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã tổ chức rất thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132(IPU-132), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017(APEC 2017), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26(APPF-26)…
Mới đây nhất, việc Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã thể hiện uy tín và vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Bài báo kết luận những thành tựu trong hơn 30 năm qua chứng tỏ sự lựa chọn và quyết định của Việt Nam đi theo con đường đổi mới là đúng đắn, hợp lý và Việt Nam được xem là một mô hình thành công.
Điều đó tạo nền tảng căn bản và cơ sở vững chắc cho con đường phát triển nước Việt Nam độc lập và hội nhập thành công hơn nữa trong tương lai.