Đoàn chuyên gia môi trường Liên Hợp Quốc do TS Tadashi Yamamura dẫn đầu mới đây có buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bày tỏ mong muốn hỗ trợ Hà Nội trong xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản.
Công nghệ mới của phía Nhật hứa hẹn sẽ giải quyết được mùi hôi của sông Tô Lịch trong vòng 3 ngày và phân hủy được hết tầng chất thải, bùn nằm dưới lòng sông trong vòng 2 tháng.
Về phía Việt Nam, Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) sẽ là đơn vị trực tiếp giám sát việc thi công hoạt động làm sạch môi trường nước ở dự án này. Đại diện công ty cho biết Công nghệ Nano - Bioreactor bao gồm 2 phần là công nghệ sục khí Nano và tấm vật liệu Bioreactor.
Bước đột phá từ công nghệ mới
Theo ước tính của các chuyên gia môi trường, mỗi ngày có khoảng 15 triệu m3 nước thải sinh hoạt và công nghệ chưa qua xử lý thải thẳng xuống dòng sông này. Nhiều kế hoạch "giải cứu" sông Tô Lịch đã được TP Hà Nội triển khai hàng chục năm qua nhưng đều không hiệu quả.
Trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, đêm, được khởi công vào tháng 10/2016, bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Khi nhà máy đi vào hoạt động, dự kiến 80% nước thải tại các quận Đống Đa, một phần của Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và huyện Thanh Trì sẽ được xử lý toàn bộ.
Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất cản trở việc xử lý triệt để nguồn ô nhiễm ở con sông này là lượng bùn, chất thải khổng lồ dưới lòng sông khó xử lý nếu chưa ngắt được nước thải chảy vào.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE cho rằng công nghệ mới này sẽ giúp Hà Nội giải quyết được vấn đề trên.
"Trước kia, để làm sạch được sông Tô Lịch, phải ngắt hoàn toàn hệ thống nước thải chảy vào sông, kết hợp với việc nạo vét. Tuy nhiên, với công nghệ mới này, nguồn ô nhiễm vẫn có thể được xử lý luôn mà không cần tách nước thải", ông Tuấn Anh cho biết.
Để đưa ra được hướng giải quyết cho sông Tô Lịch, các chuyên gia Nhật đã phải điều tra, khảo sát trong vòng 2 năm. Công nghệ Bio - Reactor đã được ứng dụng, xử lý thành công hơn 300 điểm ô nhiễm ở khắp nước Nhật và nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan.
Thải đến đâu, xử lý ngay đến đấy
TS Kubo Jun, chuyên gia về công nghệ nano của Công ty JVE cho biết phía Nhật Bản mang đến 2 thiết bị được sáng chế ở Nhật là máy sục khí Micro Nano và tấm vật liệu Bioreactor.
"Khi 2 thiết bị này kết hợp với nhau, chúng ta có thể tưởng tượng như đặt một nhà máy xử lý nước thải ngay dưới lòng sông. Hàng ngày, khi nước thải, nguồn ô nhiễm chảy vào thì công nghệ này sẽ xử lý ngay trong ngày và không còn ô nhiễm nữa.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/4, ông Yamamura đã báo cáo với Thủ tướng về công nghệ này và nhấn mạnh công nghệ Nano - Bioreactor hoàn toàn tự nhiên, không có chất độc hại, ngoài ra, còn giúp giảm thiểu chi phí xây dựng nhà máy, bảo trì thiết bị như các công nghệ trước đây.
Thiết bị sẽ được đặt dưới lòng sông Tô Lịch, vận hành tự động để làm sạch nước, phân hủy bùn, chất thải. Trong đó, công nghệ Bioreactor có vai trò kích thích các vi sinh vật có ích, gây ức chế và làm giảm mạnh số lượng các vi sinh vật có hại, gây ô nhiễm môi trường nước.
Công nghệ Nano của Nhật Bản xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, mùi hôi, phân giải toàn bộ lớp bùn tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học. Hệ thống Nano này có thể phân giải chất gây ô nhiễm mà không cần đợi việc tách nước thải vào sông.
Các chuyên gia Nhật Bản cũng hứa hẹn sau 3 ngày đưa vào vận hành công nghệ này, mùi hôi thối sẽ không còn nữa, sau 2 tháng phần lớn chất thải và bùn dưới lòng sông sẽ bị phân hủy.
Kết thúc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đề xuất của phía Nhật Bản và nhấn mạnh Việt Nam đặc biệt quan tâm đến môi trường, coi đây là vấn đề lớn trong quá trình phát triển đất nước. Ông bày tỏ tin tưởng với kinh nghiệm của mình, phía Nhật Bản sẽ thành công trong xử lý nước thải ở Hà Nội.
Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, chảy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì của TP Hà Nội. Từ nhiều năm nay, nước sông Tô Lịch luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra để làm sạch lòng sông, tuy nhiên, chưa có giải pháp nào thực sự đem lại hiệu quả do lượng chất thải sinh hoạt và sản xuất đổ vào sông hàng ngày là rất lớn.