Theo các nhà khoa học nghiên cứu công nghệ sinh học, các sản phẩm bằng polymer thường bị hỏng do lão hóa - trên bề mặt xuất hiện những vết nứt làm thay đổi màu sắc và hình dạng của sản phẩm bằng nhựa. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với các loại sản phẩm bằng nhựa phân hủy sinh học. Một mặt, nhựa phân hủy sinh học phải thực hiện chức năng của nó trong một thời gian nhất định, mặt khác, sau đó sản phẩm phải phân hủy thành các thành phần an toàn cho môi trường.
"Các nhà khoa học đã tạo ra một loại polymer phân hủy sinh học mới thuộc nhóm polyhydroxyalkanoate (PGA). Nó có thể duy trì các đặc tính cơ bản (bao gồm cả độ dẻo) trong 180 ngày và nhiều hơn nữa, đồng thời sở hữu những ưu điểm chính của vật liệu sinh học: không độc hại và không gây dị ứng. Độ bền của polymer sinh học mới sánh được với các polyme tổng hợp. Nhờ các đặc tính này, nhựa sinh học với độ bền cao có thể được sử dụng trong sản xuất bao bì và các thiết bị y tế", - đại diện của Đại học Siberia cho biết.
Tham gia dự án phát triển loại nhựa mới có các chuyên gia công nghệ sinh học từ Đại học liên bang Siberia, Viện Vật lý Kirensky, Viện Vật lý sinh học, Viện Hóa học và Công nghệ hóa học (Chi nhánh Siberian của Viện Hàn lâm Khoa học Nga) và Đại học Mahatma Gandhi (Ấn Độ). Để tạo ra polymer PGA, các nhà khoa học đã sử dụng nhà sản xuất tự nhiên của nó – vi khuẩn Cupriavidus eutrophus B-10646. Đặc tính quan trọng nhất của polymer thu được với sự trợ giúp của vi khuẩn này là cấu trúc đặc biệt cho phép xử lý polymer theo nhiều cách khác nhau cho các mục đích công nghiệp và y tế.
Theo các nhà khoa học, sau nửa năm, trong điều kiện môi trường, vật liệu này dễ dàng phân hủy với sự trợ giúp của các vi sinh vật thành carbon dioxide và nước.