Trên chính trường Ukraina, ngày Chủ nhật 21-4-2019 kết thúc trong một bầu không khí thật đặc biệt: nghệ sĩ hài Vladimir Zelensky trở làm tổng thống Ukraina với 73,2% số phiếu ủng hộ, vua sô-cô-la Pyotr Poroshenko được dựng lên bằng “đảo chính Maidan” chỉ được 25,3% số phiếu. Tại sao vậy? Điều gì có thể diễn ra tiếp theo với Ukraina?
Sputnik đã có cuộc trao đổi với chuyên gia phân tích các vấn đề chính trị quốc tế, ông Nguyễn Minh Tâm. Câu chuyện xoay quanh vấn đề kết quả bầu cử tổng thống Ukraina và tương lai của nước cộng hòa này.
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Tâm, như vậy kết quả chính thức của bầu cử tổng thống Ucraina cho thấy nghệ sĩ hài Vladimir Zelensky đã thắng đương kim tổng thống Pyotr Poroshenko rất đậm, 73,2% chống lại 25,3%. Ông có thấy kết quả này bất ngờ không?
Ông Nguyễn Minh Tâm: Cá nhân tôi không thấy bất ngờ về kết quả bầu cử Tổng thống Ukraina ở cả vòng 1 và cả vòng 2. Bởi trước đây đã có một võ sĩ quyền Anh hạng nặng của Ukraina bước vào chính trường Ukraina thì tại sao một nghệ sĩ, một nhà biên kịch, một nhà sản xuất chương trình truyền hình kiêm dẫn chương trình lại không? Có điều mà tôi cảm nhận được là từ “đảo chính Maidan” đến nay, chính trường Ukraina đã không khác gì một sân khấu hài và không ít chính trị gia đang trở thành những anh hề. Vậy thì một “anh hề” thực thụ bước vào dinh Tổng thống Ukraina cũng chẳng có gì là lạ.
Sputnik: Theo ông thì vì sao nghệ sĩ hài Vladimir Zelensky đã thắng, mà lại thắng đậm?
Ông Nguyễn Minh Tâm: Theo tôi, Vladimir Zelensky giành thắng lợi vì hai nguyên nhân. Một là cương lĩnh của Đảng “Người đầy tớ của nhân dân” và của chính bản thân ông ta. Hai là tâm lý hiện tại của người dân Ukraina.
Về Vladimir Zelensky và Đảng “Người đầy tớ của Nhân dân”: Vladimir Zelensky không nêu ra những mục tiêu khoa trương, to tát nhưng phi hiện thực như gia nhập EU, trở thành thành viên NATO, đòi lại Crưm, thậm chí là “làm cỏ Donbass” hay “hãy rời bỏ Moskva” như Pyotr Poroshenko và Yulia Timoshenko từng chủ trương và đang chủ trương. Ông ta đã chọn đúng năm nguyện vọng lớn nhất, phổ biến nhất của người dân Ukraina để hoạch định chính sách: Một là dùng biện pháp ngoại giao, đàm phán để lập lại hòa bình ở miền Đông Ukraina. Hai là kiên quyết chống tham nhũng (hãy nhớ đến tên đảng chính trị của họ: “Đảng phục vụ nhân dân”). Ba là cân bằng quan hệ Ukraina-Nga và Ukraina - EU. Bốn là cải cách thể chế, chống quan liêu, nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ người dân của bộ máy. Năm là đoàn kết nhân dân các vùng của Ukraina, xóa bỏ tình trạng phân biệt “bờ Đông – bờ Tây” sông Dniepr.
Đối với người dân Ukraina nói chung, họ đã quá chán ngản những màn đấu đá chính trị vô bổ ở chính trưởng Ukraina, họ bất bình khi GDP/đầu người chỉ còn hơn 2.800 USD/người/năm, giá cả hàng hóa lên cao, đồng Grivna mất giá liên tục, nợ công quốc gia lên đến trên 18 tỷ USD. 5 năm qua, đã có hơn 13.500 người bỏ mạng trong nội chiến Donbass, hàng chục nghìn người khác thương vong. Các chính sách của chính quyền Petro Poroshenko chỉ làm cho mức phân hóa giàu nghèo ngày càng xa cách, lên đến hàng trăm, hàng nghìn lần. Sản xuất đình đốn, xã hội mất ổn định và suy yếu tận gốc rễ về văn hóa, giáo dục khi chính quyền độc đoán ra lệnh xóa bỏ tiếng Nga,v.v…
Cuộc bầu cử tổng thống Ukraina năm 2019 diễn ra trong bối cảnh đất nước Ukraina tàn tạ đến mức lọt vào nhóm quốc gia nghèo nhất Châu Âu. Trong khi đó thì tiếng súng vẫn thỉnh thoảng rộ lên ở khu vực Donbass, nhắc nhở các chính khách ở Kiev rằng “Các ngài không được quên sự có mặt của chúng tôi”. Việc hiện thực hóa thỏa thuận Minsk 2.0 hầu như dẫm chân tại chỗ. Ngay cả việc Ukraina muốn “đòi lại” Crimea, nơi có tới 97% dân số đã đồng ý gia nhập Liên bang Nga và được nước Nga thu nhận thì việc đó cũng hầu như không còn khả năng thực hiện.
Tựu chung lại, 39 ứng cử viên của cuộc chạy đua vào Dinh Tổng thống Ukraina chia thành 3 phái. Phái thứ nhất do đương kim tổng thống Petro Poroshenko dẫn đầu với ba chủ trương: Đoạn tuyệt với Nga – Hội nhập EU và NATO – Thu hồi các vùng lãnh thổ ly khai. Kèm theo đó là ba biện pháp chiến lược: Tăng cường quân đội – Xóa bỏ tiếng Nga – Tách khỏi nhà thờ chính thống Nga. Ông Petro Poroshenko còn nêu khẩu hiệu: “Hãy rời bỏ Moskva!”. Phái thứ hai do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Khritsenko đứng đầu nêu chủ trương thỏa hiệp, nhanh chóng vãn hồi hòa bình để tập trung phát triển kinh tế cải thiện mức sống của nhân dân, ổn định trật tự xã hội, dung hòa quan hệ Đông-Tây.
Nhiều người cho rằng nghệ sĩ hài Vladimir Zelensky thuộc phái thứ ba với chủ trương “chống lại tất cả”. Nhưng các nhà phân tích chính trị thế giới đã để ý đến sự thành công bất ngờ của ông này ở vòng bầu cử thứ nhất khi có trên 30% số phiếu ủng hộ, vượt xa đương kim tổng thống Pyotr Poroshenko (16,6% số phiếu) và ứng cử viên ký cựu Yulia Timoshenko (16,2% số phiếu). Họ đã nghiên cứu cương lĩnh tranh cử của Vladimir Zelensky và nhận thấy ông không hẳn là “chống lại tất cả”, mà là đã tìm được những điểm mạnh của hai đối thủ cũng như hai phái còn lại để hoạch định cương lĩnh của mình. Đó là các vấn đề: “Chiến tranh hay hòa bình” (chấm dứt xung đột vũ trang với các khu vực ly khai miền Đông), “Cân bằng quan hệ Đông-Tây” (về đối ngoại giữa EU và Nga), “Người đầy tớ của nhân dân” (chống tham nhũng và đặc quyền đặc lợi), “Cải cách thể chế” (chống quan liêu, nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước).
Ngần ấy thôi cũng đủ để thấy Vladimir Zelensky không bàn đến những vấn đề cao siêu và phi thực tế. Ngay cả những vấn đề mà Pyotr Poroshenko cùng các đồ đệ thân Mỹ và phương Tây thường suốt ngày nhắc đi nhắc lại như gia nhập EU, gia nhập NATO, đòi lại Crưm hay hung hăng hơn là “làm cỏ miền Đông” cũng không hề được Vladimir Zelensky đề cập đến như một chủ trương chiến lược.
Riêng về quan hệ với Nga, Vladimir Zelensky đã tỏ rõ quan điểm “cân bằng” của mình khi phát biểu trên một chương trình truyền hình phát trực tiếp trên kênh “1+1” ngày 18-4-2019: “Chúng ta sẽ xây dựng một Ukraine phát triển, mạnh mẽ, tự do. Ukraina không là anh em với Nga nhưng cũng không làm tay sai cho Châu Âu. Chúng ta sẽ xây dựng sự độc lập cho đất nước Ukraina”. Cương lĩnh tranh cử của Vladimir Zelensky đã đánh trúng vào nhiều sự mong mỏi trong tâm lý của cử tri Ukraina hiện nay.
Thế là người đóng vai tổng thống Ukraina trong một chương trình truyền hình “Đầy tớ của Dân” đã trở thành Tổng thống Ukraina giữa đời thực. Còn việc ông và các trợ thủ của mình có thực hiện được lời hứa với cử tri Ukraina hay không lại là cả một câu chuyện dài của 5 năm tiếp theo.
Dù sao thì cũng có thể thấy, thay vì để một chính khách-nhà tư bản làm một anh hề trên sân khấu hài chính trị Ukraina, người dân Ukraina đã chọ một nghệ sĩ hài cho sân khấu chính trị của họ vốn đã có quá nhiều trò “cười ra nước mắt”. Họ hy vọng rằng, sân khấu chính trị Ukraina sẽ nghiêm chỉnh trở lại để phục vụ tốt hơn cho người dân Ukraina và làm cho Ukraina trở nên cân bằng hơn trong quan hệ Đông-Tây.
Sputnik: Như vậy, người dân Ukraina đã chọn một nghệ sĩ hài cho sân khấu chính trị của họ. Theo ông thì họ mong đợi điều gì?
Ông Nguyễn Minh Tâm: Họ đang mong muốn có hòa bình khi cuộc nội chiến 5 năm qua tại miền Đông đã lấy đi của Ukraina hơn 13.500 mạng người (trong đó có hơn 6.000 dân thường) cùng hàng chục nghìn người bị thương. Họ đang mong muốn vực lại nền kinh tế, cải thiện đời số khi thu nhập bình quân đầu người của Ukraina tụt xuống còn 2.850USD/năm, (thuộc vào hàng các nước đang phát triển thấp). Đó là họ đang muốn lôi cổ ra trừng trị những quan chức tham nhũng đã lợi dụng tình hình khó khăn của đất nước để làm giàu cho bản thân, vun vén cho gia đình và phe cánh. Đó là họ đang muốn một Ukraina thống nhất và đoàn kết, không phân biệt hữu ngạn hay tả ngạn sông Dniepr.
Nhắc đến những chiến lược này, chúng ta không thể không nhắc đến nhà tư bản Ukraina Igor Kolomoysky, người đã hết lòng ủng hộ Vladimir Zelensky cũng như luật sư Andrei Bogdan, cựu Bộ trưởng tài chính Aleksandr Daniliyuk, cựu Bộ trưởng Phát triển kinh tế và thương mại Aivara Abromavic, nghị sĩ và là nhà vận động chống tham nhũng Sergey Leshchenko, những trợ thủ đắc lực của ông.
Nếu có ai đó nói rằng Vladimir Zelensky đã chống lại tất cả thì không hẳn. Bởi có một thực thể vĩ đại nhất mà ông tôn thờ qua chính tên gọi đảng chính trị của ông là “Người đầy tớ của nhân dân”. Và như vậy, ông có thể chống lại tất cả, trừ nhân dân Ukraina. Và chính nhân dân Ukraina đã chọn ông, có nghĩa là họ cùng với ông chống lại các phe phái khác, trong đó đặc biệt là phe thân Mỹ và phương Tây. Với tỷ lệ số phiếu ủng hộ áp đảo (73,2% so với 25,3%) nghệ sĩ hài Vladimir Zelensky đã đánh bại “chính khách Sô-cô-la” Petro Poroshenko.
Sputnik: Theo ông thì nghệ sĩ hài trong vai một tổng thống sẽ thực hiện chính sách đối nội như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Tâm: Chính sách đối nội của Vladimir Zelensky sẽ thiên về các biện pháp an sinh xã hội nhiều hơn dưới thời Pyotr Poroshenko. Nếu như ông ấy nói chuyện được với những người đối lập ở Lugansk và Donetsk, đồng thời giảm được căng thẳng, ông ấy có thể có thêm cơ hội và kinh phí để giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Có thể ông ấy sẽ có những cuộc cải cách thể chế để hạn chế tham nhũng, buộc công chức, viên chức phải có trách nhiệm với công việc và với người dân. Xa hơn nữa, ông ta có thể có một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn để buộc những kẻ lợi dụng chức quyền đục khoét công quỹ phải ra hầu tòa và trả lại tiền cho quốc khố. Tuy nhiên, quân đội và các lực lượng an ninh, cảnh sát vẫn là chỗ dựa của bất kỳ một nhà cầm quyền nào, nên Vladimir Zelensky sẽ sử dụng lực lượng này một cách có hiệu quả để “xén lông cừu” một số nhà tư bản tài phiệt đầu sỏ ở Ukraina (trừ những người đã ủng hộ ông ta).
Sputnik: Sẽ có “luồng gió mới” trong chính sách đối ngoại của Ucraina hay không? Ông có cho là Quan hệ với Nga sẽ có triển vọng sáng sủa hơn không?
Ông Nguyễn Minh Tâm: Về đối ngoại, Vladimir Zelensky tỏ ra cân bằng trong quan hệ với Nga và EU. Ngày 18-4-2019, ông ấy đã tuyên bố” Ukraina có thể không là anh em với Nga những cũng không thể là tay sai của châu Âu”. Tuy nhiên, có thực hiện được điều này hay không còn tùy thuộc vào mức độ và tính chất quan hệ. Đầu tiên, ông ta phải giải quyết vấn đề trung chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraina sang phương Tây. Tiếp theo, ông ấy phải giải quyết vấn đề nợ công, sau đó là đầu tư nước ngoài. Ngòai ra còn một số vấn đề quan trọng khác, như khôi phục sản xuất ở các khu công nghiệp Donbass theo hình thức phù hợp cũng như khôi phục lại những vùng chuyên canh cây lương thực ở tả ngạn sông Dniepr. Nói tóm lại, là cả một núi công việc. Và bài toán cuối cùng vẫn là cân bằng sự đầu tư từ Nga với sự đầu tư từ phương Tây, tận dụng sự cạnh tranh giữa hai luồng đầu tư này để làm lợi cho Ukraina. Sau đó mới có thể nói đến chuyện giải quyết vấn đề Donbass.Cả hai vấn đề trên đều sẽ khó hiện thực hóa nếu như Ukraina để Mỹ và đặc biệt là CIA can thiệp sâu vào công việc nội bộ của họ. Vladimir Zelensky cần đăc biệt lưu ý điều này.
Trong vấn đề quan hệ Ukraina-Nga, vì Ukraina dưới thời Petro Poroshenko đã không thể tự quyết định được do chịu ảnh hưởng quá lớn từ Mỹ và phương Tây, nên việc khôi phục quan hệ Ukraina-Nga cần có thời gian. Cần lưu ý rằng, trước khi biết mình phải ra đi, Petro Poroshenko đã phá hủy nốt một số “cây cầu chiến lược” cuối cùng trong quan hệ Nga-Ukraina như Hiệp ước hữu nghị và hợp tác song phương Nga-Ukraina (ký dưới thời Boris Yeltsin và Leonid Kravchuk), Hiệp ước về vũ khí với Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG,v.v… Phải nói thẳng rằng, đây là trò hèn hạ của tổng thống sắp mãn nhiệm Petro Poroshenko và của các thế lực cánh hữu cực đoan thân phương Tây ở Ukraina. Cho nên, mấu chốt của vấn đề là ở chỗ Ukraina có chịu là một nước trung lập hay không, có kiên quyết không tham gia một liên minh quân sự nào hay không khi muốn nói chuyện với Nga.
Trong quan hệ với Nga, Vladimir Zelensky chắc chắn sẽ mềm mỏng hơn bởi ông ấy muốn khôi phục tiến trình Minsk 2.0 để mang lại hòa bình cho Donbass. Muốn vậy, Kiev sẽ phải có một số nhượng bộ. Những nhượng bộ này sẽ vấp phải sự chống đối quyết liệt của các thế lực cánh hữu ở miền Tây Ukraina. Tuy nhiên, tôi cho rằng những người dân và quan chức khu vực miền Đông sông Dniepr sẽ ủng hộ Vladimir Zelensky.
Tất nhiên, Mỹ và phương Tây sẽ tìm cách hướng lái “luồng gió mới” này sao cho có lợi cho những thế lực thân Mỹ và phương Tây ở Ukraina. Đương nhiên là người Nga cũng sẽ không ngồi yên bởi đây là thời cơ để “hạ nhiệt” quan hệ Nga – Ukraina trong khi quan hệ Nga- NATO đã gần như bị cắt đứt, còn quan hệ Nga-EU thì vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trừng phạt lẫn nhau.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông vì những câu trả lời rất hay và lý thú.