Ngày 23/10/2017, Uỷ ban châu Âu cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam. Kể từ khi bị EC cảnh báo “Thẻ vàng”, sản phẩm thuỷ sản từ khai thác của Việt Nam đã và đang được giám sát rất chặt, với 100% lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) bị kiểm tra.
Đáng lo ngại khi EU là thị trường tín chỉ, vì vậy, các thị trường khác đang theo dõi sát sao tình hình khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (gọi tắt là khai thác IUU). Trường hợp Việt Nam bị phạt “Thẻ đỏ”, các quốc gia khác cũng có thể áp dụng biện pháp tương tự với hàng thuỷ sản xuất khẩu của nước ta.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quang Hùng, sau khi bị EC cảnh báo “Thẻ vàng”, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm gỡ thẻ. Dù vậy, việc khắc phục các nhóm nội dung khuyến nghị từ EC của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác trên biển Đông còn diễn biến rất phức tạp; từ năm 2018 đến nay, đã phát hiện 101 vụ tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển khai thác; nhiều trường hợp tàu cá vi phạm, đã bị xử lý, nhưng vẫn… cố tình tái phạm!
Theo Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, tình hình vi phạm khai thác thuỷ sản tại vùng biển nước ngoài hiện rất phức tạp. Nhiều trường hợp ngư dân Việt Nam còn làm giả biển tàu của Malaysia, Campuchia… Vì vậy, đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị cần có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp tàu cá, ngư dân đánh bắt thuỷ sản bất hợp pháp. Trong đó, không loại trừ xem xét, áp dụng Bộ luật hình sự để xử lý trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc EC phạt “Thẻ vàng” cho thấy vấn đề khai thác thuỷ sản của Việt Nam vẫn còn nhiều mặt chưa hiện đại xét về tổng thể. Tuy nhiên, đây cũng có thể được xem là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá, tiến tới xây dựng một nghề cá bền vững, có trách nhiệm, hướng tới xuất khẩu.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là cần tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Luật Thuỷ sản, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan tới chống khai thác IUU. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng bộ hoá cơ sở dữ liệu nghề cá VN-FISHBASE trong tháng 5/2019. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị 28 tỉnh, TP ven biển khẩn trương hoàn thành cấp hạn ngạch giấy phép khai thác cho tàu cá xong trước tháng 7/2019; nghiêm túc thu hồi giấy phép tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá…