Tham gia Hội nghị đã có các đại biểu đến từ 111 nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu.
Vào ngày 25 tháng 4, ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị đã tổ chức phiên họp toàn thể tập trung vào các vấn đề thách thức và mối đe dọa an ninh ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Khai mạc cuộc họp, người điều hành - Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, nhà phân tích chính trị Fyodor Lukyanov nói:
“An ninh khu vực ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh là thành phần quan trọng nhất của an ninh toàn cầu, có thể nói, là nền tảng của nó. Thế giới đang thay đổi, đang biến thành một hệ thống đa cực, phức tạp, đa diện. Các thể chế quốc tế được tạo ra trong thế kỷ XX không còn hoạt động hoặc làm việc không hiệu quả. Còn các thể chế an ninh mới của nhân loại chú ý đến sự đa dạng về chính trị, kinh tế và văn hóa (về mặt tinh thần) vẫn chưa được tạo ra. Cần phải xây dựng các thể chế mới trên cơ sở rộng lớn hơn, với sự tham gia tích cực của các quốc gia và các khu vực từ lâu bị coi là vùng ngoại vi so với phương Tây. Vâng, phương Tây vẫn là một cầu thủ mạnh mẽ, nhưng, họ mất dần vị trí thống trị thế giới. Tôi rất vui mừng thấy rằng, trong số những người tham gia cuộc họp của chúng ta có không chỉ các nhà lãnh đạo quân sự, mà là đại diện của các “nền văn hóa chiến lược” do đó sẽ có ảnh hưởng lớn đến trật tự thế giới trong tương lai rất gần”.
Các vấn đề an ninh và sự ổn định trên toàn thế giới nói chung và ở châu Á nói riêng, không thể được giải quyết nếu không tính đến lập trường của Trung Quốc và nếu không có sự tham gia trực tiếp của Trung Quốc. Trong bài phát biểu của mình, Thượng tướng Nguỵ Phượng Hoà (Wei Fenghe), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc lưu ý rằng, trong thế giới hiện đại, các nguyên tắc cơ bản phải là bình đẳng và công bằng, nên loại bỏ các mối đe dọa và chính sách dùi cui lớn.
“Trung Quốc kiên quyết tuân thủ nguyên tắc bình đẳng giữa tất cả các nước: cả lớn, mạnh và giàu, cả nhỏ, yếu và nghèo, và phản đối chính sách nước lớn coi thường nước nhỏ và nước mạnh đàn áp nước yếu, - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố. - Chúng tôi không chấp nhận thực tế rằng, một số quốc gia tự cho mình quyền thường xuyên can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, cố ý làm rối vấn đề, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác, núp dưới cái gọi là “bảo vệ tôn giáo” ở một số nơi, còn ở những nơi khác “bảo vệ nhân quyền”. Đất nước chúng tôi tin chắc rằng, sự hợp tác giữa các quốc gia phải là công bằng và cùng có lợi, nếu chỉ một bên có lợi thì điều đó không thể được coi là hợp tác. Những ý tưởng như “lợi ích riêng lên trên hết”, và “người chiến thắng có được mọi thứ” đã lỗi thời”.
Sau khi giải thích lập trường của đất nước mình trong các vấn đề như cuộc chiến chống khủng bố, đấu tranh chống đói nghèo và các thách thức môi trường, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đề cập đến những "điểm đau" của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong trong số đó có Biển Đông. Thượng tướng Nguỵ Phượng Hoà nhận xét:
“Trung Quốc đang nỗ lực để bảo đảm an toàn hàng hải không bị gián đoạn trên các tuyến đường thủy quan trọng chiến lược ở Biển Đông, cùng với các nước ASEAN Trung Quốc đang giải quyết vấn đề duy trì hòa bình ở vùng biển này, đang nỗ lực để đạt được tiến bộ trong quá trình phát triển một bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông. Một bằng chứng cho điều đó là cuộc tập trận hải quân chung của Trung Quốc và ASEAN được tổ chức vào năm ngoái. Chúng tôi tuân thủ con đường đối thoại và tham vấn để khắc phục sự khác biệt với các nước láng giềng về vấn đề lãnh thổ. Tôi bảo đảm rằng, Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào. Dù chúng tôi đạt được mức độ phát triển nào, chúng tôi sẽ không tự cho mình là bá chủ và sẽ không cố gắng theo đuổi chính sách bành trướng”.
Thượng tướng Nguỵ Phượng Hoà cho rằng, một trong những phương pháp để loại bỏ sự nghi ngờ và duy trì hòa bình là củng cố các mối liên hệ liên quân. Theo ông, quân đội của các quốc gia khác nhau nên cải thiện các cơ chế đối thoại và tăng cường phối hợp. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, một thí dụ tốt về điều đó là mối quan hệ chặt chẽ giữa Lực lượng Vũ trang Trung Quốc và Lực lượng Vũ trang Nga ở tất cả các cấp, từ các cuộc tập trận chung đến liên lạc thường xuyên giữa những người đứng đầu các cơ quan quân sự. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không loại trừ khả năng tăng cường tương tác chiến lược với Quân đội Hoa Kỳ, vì điều này không chỉ giúp củng cố mối quan hệ song phương mà còn giúp duy trì sự ổn định về mặt quân sự và chính trị ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, Bắc Kinh đặc biệt chú trọng quá trình phát triển một loại quan hệ liên quân mới giữa các nước trong khu vực, và sẵn sàng phát triển hợp tác thiết thực với quân đội của các nước láng giềng để tăng cường ổn định và an ninh.
Trong nhiều thập kỷ Bán đảo Triều Tiên là một trong những “điểm nóng” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Gần đây, mức độ căng thẳng ở đây đã giảm đáng kể. Nhờ thái độ thực dụng lành mạnh của lãnh đạo hai nước Triều Tiên và những nỗ lực của cộng đồng thế giới, Bình Nhưỡng và Seoul đã thiết lập cuộc đối thoại. Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hoa Kỳ đã gặp nhau hai lần ở các nước trung lập - tại Singapore và tại Hà Nội. Mới đây tại Vladivostok đã diễn ra cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Kim Jong-un với Vladimir Putin.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị MCIS-2019, Bộ trưởng các Lực lượng quân đội nhân dân CHDCND Triều Tiên, tướng No Gwan Chol cho biết:
“Kể từ năm ngoái, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã trải qua những thay đổi mang tính thời đại mà trước đây không thể tưởng tượng được. Bầu không khí mất lòng tin và đối đầu gay gắt với nguy cơ xung đột quân sự bắt đầu thay đổi theo hướng hòa giải dân tộc, đối thoại và hợp tác vì mục đích hòa bình và thịnh vượng. Các hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã diễn ra, tại đó các tài liệu quan trọng nhất đã được thông qua (Tuyên bố Panmumjom và Thỏa thuận quân sự liên Triều ở Bình Nhưỡng). Các văn kiện này chấm dứt kỷ nguyên đối đầu và cho thấy một ý chí mạnh mẽ để mở ra kỷ nguyên hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Vào tháng 6 năm 2018, tại Singapore, đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ đầu tiên trong lịch sử, và một tuyên bố chung đã được ký kết. Đối với những người Triều Tiên đã từng trải qua cuộc chiến khủng khiếp và hàng thập kỷ phân chia quốc gia, việc tạo ra một bầu không khí hòa bình là điều tối quan trọng".
Đồng thời, người đứng đầu cơ quan quân sự của Bắc Triều Tiên nhấn mạnh rằng, các biện pháp xoa dịu căng thẳng trên bán đảo cần phải là toàn diện. Ví dụ, việc phi hạt nhân hóa cần được bổ sung bằng việc "chấm dứt các cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của nước ngoài và chấm dứt nhập khẩu thiết bị quân sự nước ngoài". Nên hợp tác chặt chẽ với các quốc gia đã từng ký Hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên để tiến hành cuộc đàm phán về việc chuyển từ trạng thái đình chiến sang chế độ hòa bình toàn diện. Tướng No Gwan Chol nhấn mạnh, việc loại bỏ mối đe dọa chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, vốn chỉ là một phần nhỏ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ có nhiều tác động tích cực đến sự ổn định trong toàn khu vực, và, tất nhiên, đến an ninh toàn cầu.
Đại diện cho các quốc gia thành viên ASEAN tại cuộc họp toàn thể MCIS-2019 về an ninh khu vực là Singapore và Lào. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen thu hút sự chú ý đến mối liên hệ giữa sự ổn định chính trị quân sự và sự phát triển kinh tế thành công ở Đông Nam Á và toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh:
“Các cơ chế ASEAN đã cho phép xây dựng một kiến trúc khu vực ổn định có lợi cho đối thoại và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, tình hình trên thế giới đang thay đổi, đang xuất hiện những điểm căng thẳng. Đây là chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập, các quan điểm bảo thủ về toàn cầu hóa, về dòng di cư. Những quan điểm trước đây đã được coi là đúng đang được xem xét lại và bị từ chối. Đã xuất hiện những quan điểm cực đoan dẫn đến những biểu hiện của phân biệt chủng tộc, khủng bố và các biểu hiện tiêu cực khác. Tất cả những mối đe dọa này vẫn đang tập trung ở khu vực Trung và Cận Đông, nhưng, không ai có thể đảm bảo rằng mối nguy hiểm này sẽ không động chạm đến Đông Nam Á. Ngoài ra, các mâu thuẫn chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng tạo ra rủi ro cho khu vực. Điều này không chỉ làm chậm tăng trưởng kinh tế, mà còn có thể gây ra những hậu quả chính trị. Một số quốc gia trong khu vực có thể phải đối mặt với sự lựa chọn đứng bên nào. Kết quả là, khu vực này có thể phải đối mặt với sự đối đầu gay gắt và sự chia rẽ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Đại tướng Tyansamon Tyannyalat tập trung chủ yếu vào việc phân tích tình hình quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông, một số lượng đáng kể các quốc gia châu Á có tiềm năng quân sự lớn, nhưng, nhiều nước vẫn là nơi xung đột lợi ích của các cầu thủ hàng đầu thế giới. Điều này tạo ra nguy cơ xung đột quân sự. Ngoài ra, các vấn đề như buôn bán ma túy, khủng bố và thiên tai cũng không làm tăng thêm sự ổn định. Ở một số quốc gia ASEAN, trước đây đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến "Việt Nam", còn có một yếu tố gây bất ổn - số lượng lớn bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác trên mặt đất.
Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Lào, cần phải sử dụng tích cực hơn các công cụ hợp tác quân sự của các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác của họ, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASEAN - ADMM và ADMM+ để phát triển sự đối tác quân sự trong ASEAN và ngăn chặn những nỗ lực giải quyết mâu thuẫn và hiểu lầm bằng vũ lực.