Ngày 29/4/2019, trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội bày tỏ sự không đồng tình với quy định đóng dấu "mật" vào báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố trong Dự thảo Danh mục bí mật Nhà nước của ngành mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến.
Theo ông Nhưỡng, việc một văn bản có được đóng dấu "mật" hay không trước hết phải phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trong khi đó, lĩnh vực giá xăng dầu, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố không thuộc phạm vi của bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, không có cơ sở để Bộ Công thương đưa nội dung này vào danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý.
Ông Nhưỡng đặt câu hỏi:
"Điện là vấn đề dân sinh. Bộ Công thương muốn đóng dấu "mật" vào kế hoạch điều chỉnh giá điện xong sau đó có thông báo cho người dân không? Nếu đã thông báo thì còn gì gọi là "mật" nữa?".
Điều quan trọng nhất được ông Nhưỡng nêu ra là trong thời gian qua, người dân phàn nàn rất nhiều về vấn đề độc quyền của ngành điện lực.
"Bây giờ Bộ Công thương đóng dấu "mật" vào lĩnh vực này để khẳng định là không minh bạch à?" - ông Nhưỡng thẳng thắn hỏi Bộ Công thương.
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, việc lạm dụng dấu "mật" tràn lan như hiện nay tại nhiều cơ quan dẫn đến một số sai lầm lớn. Ông Nhưỡng lấy ví dụ như vụ Mobifone mua lại AVG mà Bộ Công an đang điều tra, bắt giam hàng loạt cán bộ, nguyên lãnh đạo đã chứng minh khá rõ.
Trong thương vụ Mobifone mua lại AVG cũng được đóng dấu "mật" nên hạn chế người tiếp cận, từ đó dẫn tới hệ quả vụ việc được giám sát không chặt chẽ dẫn tới sai phạm, nguy cơ thất thoát tài sản.
"Mấy ngày hôm nay, tôi cũng nhận được rất nhiều phản ánh của cử tri về việc Bộ Công thương muốn đóng dấu "mật" và giá điện, giá xăng dầu, tất cả đều không đồng tình với quy định này.
Những vấn đề gì thuộc về quốc kế, dân sinh thì không được đóng dấu mật. " - ông Nhưỡng một lần nữa khẳng định lại.
Dấu "mật" đang bị lạm dụng
Tại nhiều cuộc họp của Quốc hội, các đại biểu cũng từng nêu ý kiến về việc dấu "mật" đang được dùng tùy tiện, có thể dễ đẩy người dân, cán bộ vào vòng lao lý.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu lên thực trạng, có tình trạng lạm dụng luật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật, không được pháp luật quy định là thông tin mật.
“Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành. Cái này thì có gì đâu mà mật. Có bộ lại đóng dấu mật cả vào trả lời chất vấn ĐBQH dù không có thông tin mật làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri”, bà Nga nêu.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung - Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà nội cho hay, ở nhiều quốc gia khác họ cũng có các thông tin mật mà người dân bình thường không được tiếp cận. Tuy nhiên ở các nước thông tin mật đó là hữu hạn chứ không rơi vào tình trạng đóng mật vô biên, tràn lan như ở Việt Nam hiện nay.
Theo ông Dung, cần thấy rằng việc lạm dụng dấu mật là mâu thuẫn với Luật Tiếp cận thông tin, đi ngược lại xu hướng bảo vệ nhân quyền mà nhà nước chúng ta đang hướng tới.
" Chúng ta cần nhớ rằng thông tin do các cơ quan nhà nước làm ra cũng là tài sản của người dân, do dân làm chủ nên người dân có quyền được tiếp cận những thông tin ấy" - ông Dung nói.
Trong khi đó, nói trên tờ Thanh niên, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) bày tỏ, việc đóng dấu mật tràn làn sẽ làm hạn chế đến quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp, báo chí...
Từ đó, ông Sơn đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước phải rà rà soát lại các quy định, văn bản liên quan đến việc đóng dấu mật, làm rõ cái gì thì được coi là mật, cái gì không mật, độ mật thế nào, giải mật thế nào?