Đó là những câu chuyện mà ít ai được biết trong suốt 50 năm qua, xung quanh việc gìn giữ lâu dài và bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giữ nguyên nét đặc trưng của Bác khi Người qua đời
Theo lời kể của Thiếu tướng Cao Đình Kiếm - Chính ủy Bộ Tư lệnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau sinh nhật lần thứ 77 vào năm 1967, sức khỏe của Bác đã có dấu hiệu giảm sút. Vì thế, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đảng lúc bấy giờ là đồng chí Lê Duẩn đã chủ trì phiên họp bất thường của Bộ Chính trị, bàn về hai vấn đề hết sức quan trọng. Một là tiếp tục chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của Người. Hai là tính chuyện hậu sự khi Người qua đời.
Sau cuộc họp ấy, một số cán bộ y tế giỏi đã được chọn và gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài.
Vào tháng 6/1968, theo đề nghị của Quân uỷ T.Ư, Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức T.Ư quyết định thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế của Quân y Viện 108. Cùng với đó, chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng một công trình bí mật (mang mật danh 75A) ở phía sau Nhà tang lễ Quân y Viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Bác.
Theo lựa chọn của T.Ư Đảng và Chính phủ thời điểm đó, Quảng trường Ba Đình sẽ là nơi tổ chức lễ tang khi Bác từ trần và Hội trường Ba Đình sẽ là nơi quàn thi hài Bác để nhân dân và bầu bạn quốc tế tới viếng Bác trong những ngày lễ tang. Bộ tư lệnh Công binh tiếp tục được giao nhiệm vụ chuẩn bị các công việc cần thiết và thi công công trình này với mật danh 75B.
9h47 ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trút hơi thở cuối cùng. Theo kế hoạch, thi hài Bác được chuyển về Quân y Viện 108 để đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô tiến hành việc bảo quản thi hài Bác. Sau Lễ Quốc tang, thi hài của Người được giữ gìn tại Công trình 75A.
Khi đó, ta cũng quyết định xây dựng thêm một công trình khác như 75A nhưng ở xa Hà Nội, bí mật, yên tĩnh, đi lại thuận tiện để khi cần sẽ di chuyển thi hài Bác tới đó giữ gìn bảo đảm tuyệt đối an toàn. Và K9 (Ba Vì, Hà Nội) là nơi được lựa chọn. Tháng 12/1969, công trình K9 hoàn thành và được đổi tên thành K84 để giữ bí mật.
Việc di chuyển thi hài Bác được cân nhắc rất cẩn trọng. Sau khi bàn bạc, chúng ta chọn phương án di chuyển thi hài bằng đường bộ.
Hành trình 6 lần di chuyển
Trong 6 năm kể từ khi Người qua đời, thi hài của Người được di chuyển tổng cộng 6 lần do nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau.
Đêm 23/12/1969 là lần di chuyển đầu tiên. Khi ấy, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định di chuyền thi hài Bác từ 75A lên K84. Sau hơn bốn giờ hành quân, thi hài Bác đã đến K84 an toàn.
Sau đó, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Đoàn 69 trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc giữ gìn thi hài Bác.
Lần thứ hai, rạng sáng 21/11/1970, trước cuộc tập kích bất ngờ của lính Mỹ bằng đường không vào một trại giam ở TX Sơn Tây, Bộ Chính trị và Quân uỷ T.Ư đã quyết định di chuyển thi hài Bác về công trình 75A ở Hà Nội để đảm bảo an toàn. Đêm 3/12, đoàn xe rời căn cứ K84 và về đến Công trình 75A vào 3h sáng 4/12.
Lần thứ tư, tháng 3/1972, Mỹ tiến hành leo thang đánh phá trở lại miền Bắc, nhất là Thủ đô Hà Nội. Vì K84 nằm trên đường bay của không quân Mỹ nên Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã quyết định di chuyển thi hài Bác từ K84 đến địa điểm mới H21.
21h ngày 11/7/1972, đoàn xe chở thi hài Bác rời K84 và đến H21 lúc 0h15 ngày 12/7.
Nửa năm sau đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định đưa thi hài Bác về K84.
Và lần di chuyển cuối cùng được thực hiện khi Lăng Bác được xây dựng và hoàn thành. Ngày 26/5/1975, Đoàn 69 nhận được lệnh chuẩn bị mọi mặt để đón thi hài Bác về Lăng. Đúng 16h ngày 18/7, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát, đưa thi hài Bác về tới Quảng trường Ba Đình Làm chủ công nghệ bảo quản thi hài
Nhắc đến nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm nói đây là một nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Để làm được việc này, Thiếu tướng Kiếm cho biết, chúng ta có sự giúp đỡ vô cùng lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô lúc bấy giờ và là Liên bang Nga hiện nay. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động nhất của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô.
Bắt đầu từ thời điểm thi hài Bác được đưa vào Lăng để mọi người thăm viếng, nhiệm vụ đã chuyển sang một giai đoạn mới với những yêu cầu rất cao. Bởi thi hài Bác trước đây được giữ gìn và bảo vệ trong một không gian hẹp, chỉ có một số cán bộ y tế được tiếp xúc bên Người, có điều kiện bảo đảm môi trường trong sạch, tinh khiết. Nhưng khi về Lăng, thi hài Người được giữ gìn trong một không gian rộng, hàng ngày có hàng nghìn lượt người đến viếng. Trong điều kiện đó, việc bảo đảm môi trường trong sạch khó khăn hơn rất nhiều.
Nhiệm vụ quan trọng nhất là về y tế. Khi ấy, giữ gìn thi hài phục vụ thăm viếng là phát minh, công nghệ duy nhất trên thế giới, trong đó có dung dịch và bộ quần áo đặc biệt, song Nhà nước Liên Xô quản lý rất chặt chẽ theo quy chế bí mật quốc gia. Các cán bộ của ta cũng không được cho tiếp xúc trực tiếp với dung dịch.
Nhưng đến tháng 8/1991, liên bang Xô viết tan rã, toàn bộ chuyên gia ở Lăng Chủ tịch khi ấy rút hết, kể cả chuyên gia y tế. Thời điểm ấy chúng ta tưởng chừng như không thể để Lăng hoạt động được nữa. Ta khi đó đã đề xuất đàm phán song phương với Liên bang Nga để bạn từng bước giúp ta đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu, từng bước nắm chắc công nghệ.
Đến năm 2005, Nga đồng ý hợp tác pha chế dung dịch và phân tích đánh giá tại Việt Nam, không đưa về Nga nữa. Đến nay chúng ta đã 15 lần pha chế thành công dung dịch đặc biệt.
Ngoài dung dịch, một yếu tố khác rất quan trọng trong gìn giữ thi hài Bác, đó là công tác y sinh, trong đó có “bộ quần áo đặc biệt”. Sau nhiều năm nghiên cứu về kết cấu của vải, chúng ta đã tìm ra được loại vải của Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu, kết hợp với các nhà máy tại Việt Nam sản xuất theo kinh nghiệm, đồng thời đàm phán với Trung tâm Y sinh Moscow tìm đối tác chuyển giao công nghệ. Đến đầu năm 2019, Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận, bàn giao cho Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng quản lý, vận hành công nghệ này phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.