Người Anh hùng phi công được đứng trực bên linh cữu Bác Hồ

© Ảnh : laodongÔng Nguyễn Văn Bảy về quê nhà sống cuộc sống nông dân.
Ông Nguyễn Văn Bảy về quê nhà sống cuộc sống nông dân. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Trong những ngày đại tang của dân tộc đầu tháng 9.1969, bên cạnh nỗi đau thương mất mát như bao đồng bào, chiến sĩ cả nước, ông có một vinh dự lớn là được Binh chủng Không quân chọn tham gia đứng canh bên linh cữu Bác Hồ.

Cũng chính ông sau đó trong Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9.9.1969, đã là người lái chiếc Mig-17 dẫn đầu biên đội bay thấp trên Quảng trường Ba Đình để chào vĩnh biệt Người. Bây giờ ở tuổi 83, ông vẫn hằng ngày học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.

© Ảnh : Ảnh Tư LiệuPhi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy B tập sa bàn đánh tàu chiến Mỹ
Người Anh hùng phi công được đứng trực bên linh cữu Bác Hồ - Sputnik Việt Nam
Phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy B tập sa bàn đánh tàu chiến Mỹ

Phi công Ace nơi xóm nghèo

Từ TP.Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) theo QL80 dọc bờ sông Hậu về phía thượng nguồn 12 cây số là đến huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Rẽ vào con đường nhỏ đi tiếp chừng 4 cây số, rồi lại rẽ vào con đường nhỏ hơn (xe 4 bánh không vào được) chừng 2 cây số, tôi đến một ngôi nhà đơn sơ như bao nhà khác trong một xóm nghèo có tên Hậu Thành, thuộc xã Hòa Thành, huyện Lai Vung. Xóm nhỏ này đến nay vẫn chưa có nước sạch sinh hoạt cho người dân. Ấy vậy mà đã có nhiều cựu phi công có chức phận của nước Mỹ đã cất công tìm đến xóm nhỏ này, trong đó có Trung tướng Steve Ritchie, được cho là phi công Mỹ giỏi nhất trong cuộc chiến Việt Nam và đại tá - tiến sĩ Marshall L.Michel, người có nhiều công trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Họ đến để gặp cho bằng được một phi công “Ace” (dùng chỉ những phi công bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên) người Việt Nam mà họ rất ngưỡng mộ.

Đó là Anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy. Căn nhà nhỏ của ông nằm bên dòng kênh nhỏ, xung quanh là ao cá, chuồng gà, rộng ra là vườn cây ăn trái. Ở tuổi 83, ở ông Bảy vẫn còn phảng phất vẻ cường tráng một thời. Nhưng không còn thấy gì ở ông chất “phi công”, mà thay vào đó là hình ảnh người nông dân Đồng Tháp Mười “chính hiệu”, dáng cao gầy, quần đen, áo nâu sờn vai, đầu quấn hờ chiếc khăn rằn, râu dài không cần cắt tỉa…

Tại mảnh đất này, ông Bảy đã ra đời và trải qua quãng đời thơ ấu nghèo khó, thất học. Năm 17 tuổi, do bị cha mẹ ép lấy vợ nên ông trốn nhà theo bộ đội, một năm sau xuống tàu tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Dù mới học đến lớp 3, ông vẫn được hợp thức hóa “tốt nghiệp THPT” để đi nước ngoài học lái máy bay chiến đấu và đưa về nước những chiếc Mig-17 đầu tiên cho không quân Việt Nam. Để rồi, ông cùng với chiếc Mig-17 “cổ lỗ” (cách gọi xem thường của phi công Mỹ) của mình đã trở thành nỗi kinh hoàng của phi công Mỹ mỗi lần đánh phá miền Bắc Việt Nam. Ông là một trong 3 phi công đầu tiên được phong Anh hùng, từng giữ nhiều vị trí quan trọng của Quân chủng Không quân, được bầu Đại biểu Quốc hội 2 khóa, trước khi về nghỉ hưu năm 1990 với quân hàm đại tá. Về chuyện trở về nơi heo hút này sống những năm cuối đời, ông Bảy giải thích: “Tao là nông dân, lớn lên lúc nước mất nhà tan, thân trai ra đi đền nợ nước. Xong chuyện nước non, tao lại trở về với đồng ruộng ở chính nơi mình sinh ra”.

© Ảnh : laodongBức ảnh “Chiến thắng trở về” chụp phi công Nguyễn Văn Bảy đã trở thành biểu tượng chiến thắng của không quân Việt Nam
Người Anh hùng phi công được đứng trực bên linh cữu Bác Hồ - Sputnik Việt Nam
Bức ảnh “Chiến thắng trở về” chụp phi công Nguyễn Văn Bảy đã trở thành biểu tượng chiến thắng của không quân Việt Nam

7 lần được Bác Hồ tặng Huy hiệu

Ông Bảy nhớ lại, vào năm 1960 Nhà nước ta chủ trương đưa đi đào tạo lớp phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên ở nước ngoài. Yêu cầu của trên là cần có những chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Ông được chọn vì có thân hình cao ráo, vạm vỡ, sức khỏe tốt. Ít chữ, chương trình học lại toàn những kiến thức bậc cao, lại do thầy giáo nước ngoài truyền dạy, ông Bảy phải khá vất vả để học theo kịp anh em. Vậy mà, kết thúc khóa học, ông thuộc nhóm bay khá nhất, được tự tay lái một trong 12 chiếc Mig-17 đầu tiên về nước.

Trong quãng đời lái Mig-17 trực tiếp chiến đấu hơn 2 năm (từ 1965 đến 1967), ông có 13 lần xuất kích, trong đó 1 lần bị máy bay Mỹ bắn “tơi tả”, còn lại ông có 7 lần bóp cò và hạ 7 chiếc máy bay Mỹ. Ông vẫn nhớ ngày “thất bại là mẹ thành công” 7.10.1965, khi ông cùng 3 đồng đội chân ướt chân ráo lên nghênh chiến với một bầy máy bay Mỹ trên bầu trời Yên Thế. Chiếc Mig-17 của ông chưa kịp khai hỏa đã bị trúng tên lửa của đối phương, may mà ông vẫn điều khiển được chiếc Mig bị 82 vết thương trở về mặt đất trước sự kinh ngạc của đồng đội và các chuyên gia Liên Xô. Sau đó, ông tiếp tục có vài lần bay lên nghênh chiến với máy bay Mỹ, dù không tiếp cận được, nhưng cũng giúp ông có thêm nhiều kinh nghiệm chiến đấu quý báu, nhất là khi Mig-17 bất lợi hơn F5, F8... của Mỹ về nhiều thứ như tốc độ, trang bị hỏa lực, phương tiện kỹ thuật…

Đó là ngày 26.4.1966, khi hơn 20 chiếc máy bay Mỹ xâm nhập vùng trời Đại Từ - Thái Nguyên để đánh phá các kho xăng của ta. Các ông được lệnh đưa 8 chiếc Mig-17 từ sân bay Nội Bài lên đánh chặn. Bằng cách đánh bất ngờ, táo bạo, ông Bảy với sự hỗ trợ của 1 đồng đội đã bắn rơi tại chỗ chiếc F105. Hơn 2 tháng sau, vào ngày 29.6, trên vùng trời Việt Trì, ông Bảy rơi vào hoàn cảnh bất lợi, bị đối phương rượt đuổi, nhưng đã mưu trí, dũng cảm đưa đối phương vào thế giáp lá cà và nổ súng tiêu diệt 1 chiếc F8. Lại hơn 2 tháng sau, ngày 5.9.1966, trên vùng trời Nam Hà, ông Bảy đã hạ 1 chiếc F8 trong lúc đồng đội Võ Văn Mẫn của ông cũng hạ 1 chiếc F8 khác. Chỉ hơn 10 ngày sau, ngày 16.9.1966, ông Bảy cùng 3 đồng đội đối đầu với 16 máy bay Mỹ trên vùng trời Chí Linh. Trước khi đối phương tháo chạy, ông Bảy đã kịp ghi tên mình trên 1 chiếc F4 bị bắn hạ, cùng lúc với 2 chiếc F4 khác cũng bốc cháy từ những loạt đạn của đồng đội ông. Sang năm 1967, ông Bảy cùng chiếc Mig-17 của mình đã có thêm 3 lần hạ “đo ván” những chiếc máy bay Mỹ hiện đại hơn rất nhiều.

© Ảnh : vietnamnetAnh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy
Người Anh hùng phi công được đứng trực bên linh cữu Bác Hồ - Sputnik Việt Nam
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy

Nhớ những ngày tháng 9 đau thương

Sáng 9.9.1969, vào thời điểm thiêng liêng, xúc động nhất trong lễ tang Bác Hồ, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện 2 biên đội Mig-21 và Mig-17 bay thấp qua Quảng trường Ba Đình chào vĩnh biệt Bác. Phi đội trưởng của biên đội 12 chiếc Mig-17 là Anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Trước đó, ông Bảy đã có 2 ngày cùng đồng đội thay phiên nhau đứng túc trực bên linh cữu Bác Hồ suốt ngày đêm. Ông Bảy nhớ lại, chiều 3.9, khi đang huấn luyện, ông và đồng đội được tin Bác Hồ qua đời.

Rồi ông được lệnh của Bộ Tư lệnh Không quân chuẩn bị vào canh trực bên linh cữu Bác Hồ kèm theo yêu cầu phải kiềm chế cảm xúc, không được quá xúc động khi đang làm nhiệm vụ. Đó tiếp tục là 2 ngày đêm thật đáng nhớ trong đời ông, khi ông cùng đồng đội thay phiên nhau canh trực bên linh cữu Người. Ông phải tự động viên thật bản lĩnh để đứng nghiêm, không biểu lộ cảm xúc, trong khi trong lòng nước mắt trào dâng trước mất mát đau thương tột cùng. Để rồi sau mỗi lần được đổi ca trực (kéo dài khoảng 30 phút), trở vào trong phòng nghỉ, ông và các đồng đội lại ôm nhau khóc. Các ông được yêu cầu trở về đơn vị chuẩn bị đội bay chào vĩnh biệt Người trong lễ tang ngày 9.9.1969. Chỉ quen bay chiến đấu, giờ ông được yêu cầu chỉ huy 12 chiếc Mig-17 bay đội hình thật đẹp, thấp nhất và chậm nhất có thể, ngang qua Quảng trường Ba Đình, công việc không phải dễ. Nhất là lại bay tiễn biệt Bác Hồ về cõi vĩnh hằng, nếu không khéo kiềm chế cảm xúc, ông có thể bất ngờ rơi nước mắt, điều tối kỵ đối với phi công trong lúc làm nhiệm vụ.

Trong đời mình, ông may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên ông gặp Bác khi cùng 2 đồng đội được Bác trao Huy hiệu sau khi được phong Anh hùng về thành tích bắn hạ máy bay Mỹ. Sau đó ông có thêm 6 lần được trao Huy hiệu Bác Hồ, lúc thì Bác trực tiếp trao, lúc do lãnh đạo Binh chủng Không quân trao. Nhiều lần Bác đến thăm đơn vị, ông đều được chọn để báo cáo thực hiện nhiệm vụ chiến đấu với Bác. Nhắc đến đây, giọng ông như chùng lại, đôi mắt ươn ướt: “Cuối năm 1967, sau khi tôi đã bắn hạ 7 máy bay Mỹ, chính Bác Hồ đã chỉ thị không cho tôi (cùng với những đồng đội có thành tích chiến đấu cao) được tiếp tục trực tiếp nghênh chiến với máy bay Mỹ, mà lui về làm công tác huấn luyện, điều hành. Tôi biết Bác lo sợ tôi chết, bởi nếu tiếp tục lên trời nghênh chiến, có thể tôi đã bắn hạ thêm máy bay Mỹ, nhưng cũng có thể tôi hy sinh, chiến tranh mà”. Sau đó ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội, trong nhiều kỳ họp Quốc hội, ông được gần bên Bác để báo cáo công việc.

Ở tuổi 83, nếu đi trong cự ly 50km (đi về 100km) ông đều tự lái chiếc xe máy cà tàng mua từ thời bao cấp. Còn đi xa hơn ông mới nhờ đến xe hơi. Ông đã có một thời tuổi trẻ lẫy lừng, dữ dội, giờ đã qua tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn sống đẹp, sống khỏe, sống thú vị. Cuộc đời như vậy đúng là quá “lời”, như cách nói của ông.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала