Lùng bùng kiến nghị
UBND TP.HCM vừa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát kiến nghị của liên danh nhà thầu Samsung - Konlon - TSK về kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL02: Thiết kế - thi công - vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM.
Gói thầu XL02 (áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế có sơ tuyển) được mở thầu từ tháng 8/2017 và có 5 liên danh nhà thầu quốc tế dự thầu. Giá gói thầu được phê duyệt là 307,3 triệu USD, trong đó nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) là 278,3 triệu USD và ngân sách TP.HCM là 29 triệu USD.
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được Ban Quản lý đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (IMA) công bố, nhà thầu liên danh Acciona Agua - Vinci Construction Grandas Project (liên danh Acciona - Vinci) trúng với giá 9.088.557 USD, 77.261.975 EUR và 3.208347.299.774 đồng (đã bao gồm thuế VAT và dự phòng).
Trước khi bên mời thầu công bố kết quả, liên danh Công ty TNHH Xây dựng Samsung - Tập đoàn Kolon - Công ty TNHH Tsukishima Kikai (liên danh Samsung - Kolon - TSK) đã có kiến nghị tới UBND TP.HCM và Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc lựa chọn nhà thầu gói thầu XL02 nêu trên.
Liên danh Samsung - Kolon - TSK cho rằng, liên danh này bỏ giá thấp nhất với công nghệ được đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật và là nhà thầu được ưu tiên đàm phán. Tuy nhiên, liên danh Samsung - Kolon - TSK không được đàm phán do bên mời thầu cho rằng “có xung đột lợi ích”. Khái niệm “xung đột lợi ích” ở đây được tư vấn đấu thầu diễn giải như sau: thành viên của liên danh Samsung - Kolon - TSK (Công ty TNHH Tsukishima Kikai) đang nắm giữ 2,32% cổ phần của công ty tư vấn đấu thầu tại gói thầu XL02 (Công ty Nippon Koei).
Ngày 22/2/2019, IMA điều chỉnh Báo cáo đánh giá đấu thầu trên cơ sở tham vấn ý kiến từ WB. Theo đó, đề xuất nhà thầu giữ xếp hạng thứ 2 là liên danh Acciona - Vinci là bên được ưu tiên đàm phán. Dù rất nhiều nỗ lực giải trình về việc không có xung đột lợi ích, quan điểm xung đột lợi ích không có cơ sở pháp lý tại Mỹ (nơi WB đặt trụ sở), Nhật Bản (là quốc gia của 2 công ty nhà thầu và tư vấn) và Luật Doanh nghiệp của Việt Nam (nơi Dự án diễn ra), song cách lý giải của liên danh Samsung - Kolon - TSK không được WB và IMA chấp thuận.
Cần dẫn lại rằng, cả hai liên danh nhà thầu Samsung - Kolon - TSK và liên danh Acciona - Vinci đều vượt qua vòng chấm kỹ thuật. Trong khi giá dự thầu liên danh Samsung - Kolon - TSK thấp hơn giá dự thầu liên danh Acciona - Vinci đề xuất 14,7 triệu USD.
Nguy cơ vỡ tiến độ
Cần phải nhắc lại rằng, quá trình lựa chọn nhà thầu cho gói thầu XL02 từng được gia hạn đến 3 lần.
Từ đầu năm 2015, bên mời thầu thông báo mời sơ tuyển nhà thầu. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ tháng 2/2015, với mốc dự kiến hoàn thành việc lựa chọn và giao kết hợp đồng với nhà thầu vào tháng 1/2017, nhưng tới tận ngày 7/3/2017, bên mời thầu mới công bố quyết định về danh sách ngắn các nhà thầu tham gia gói thầu. Tới nay, công việc lựa chọn nhà thầu đã bước sang năm thứ 5 kể từ thời điểm mời sơ tuyển. Những tưởng Dự án sẽ sớm được khởi công, nhưng những trắc trở vẫn chưa thôi đeo bám khi Dự án lại vấp phải khiếu nại từ phía liên danh Samsung - Kolon - TSK.
Tiến trình Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cùng các đơn vị có liên quan rà soát kiến nghị của liên danh nhà thầu sẽ cần không ít thời gian. Sau rà soát, nếu cơ quan hữu trách xác định kiến nghị của liên danh Samsung - Kolon - TSK là có cơ sở, thì nhiều khả năng, cuộc thầu sẽ phải “xoá cờ chơi lại”. Đó sẽ là hệ lụy không nhỏ với tiến độ thực hiện Dự án.
Việc chậm lựa chọn nhà thầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cải thiện môi trường và tiến độ giải ngân nguồn vốn tài trợ của WB và có thể, Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM rơi vào bế tắc. Việc gói thầu chậm triển khai sẽ làm nảy sinh các tác dụng phụ như tăng chi phí, tăng tổng mức đầu tư.