Theo kế hoạch đưa ra tại ĐHCĐ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông lớn có nguồn gốc nhà nước này đang nghiên cứu thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi để khai thác 5.200 cửa hàng xăng dầu hiện có.
Thông tin về kế hoạch trên đã từng được đề cập đến, nay góp phần mang tới thêm kỳ vọng cho các nhà đầu tư khi mà giá cổ phiếu Petrolimex (PLX) đang ở vùng cao nhất trong 6 tháng qua: khoảng 62.000 đồng/cp.
Kỳ vọng càng trở nên cao hơn khi mà Petrolimex công bố lợi nhuận quý 1 tăng mạnh thêm 30% lên 1.570 tỷ đồng. Trong báo cáo cáo thường niên 2018, Petrolimex cho biết có một mạng lưới rộng khắp 5.200 cửa hàng xăng dầu trải dài 63 tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó có khoảng 2.500 cửa hàng thuộc sở hữu của tập đoàn.
Đây được xem là một thế mạnh áp đảo của một doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu và cũng là cơ sở và một lợi thế rất lớn của Petrolimex nếu tập đoàn này tấn công vào lĩnh vực bán lẻ hàng hóa nói chung.
Petrolimex đang thu hút sự quan tâm lớn của gã khổng lồ số 1 Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy (JX). Công ty TNHH Tư vấn và Hodings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam là cổ đông lớn, nắm giữ 8,84% cổ phần Petrolimex và mong muốn nâng sở hữu tại PLX lên 20% trong thời gian tới.
Trong năm 2018, Petrolimex trở thành quán quân về doanh thu trên TTCK với hơn 190 ngàn tỷ đồng và chỉ thua một số ông lớn, trong đó có Vinhomes, về lợi nhuận. Vài năm gần đây, Petrolimex liên tục ghi nhận lãi kỷ lục sau một thời gian kinh doanh bấp bênh từ 2010-2014.
Bên cạnh cỗ máy in tiền xăng dầu, mảng bán lẻ hàng hóa mà Petrolimex đang nhắm tới cũng là một lĩnh vực rất hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng từng có kế hoạch đầu tư vào Petrolimex. HDBank của bà Thảo cũng đã vạch kế hoạch trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu nhờ hệ sinh thái khách hàng lớn đến từ Vietjet, Vinamilk, HD Saison và Petrolimex.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gần đây đẩy mạnh mở rộng mạng lưới các cửa hàng tiện lợi và đã bỏ xa các tập đoàn nước ngoài. Thị trường cửa hàng tiện lợi Việt Nam hiện đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á.
Theo Deloitte, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2012 với sự có mặt của rất nhiều ông lớn trong và ngoài nước như Vingroup, Saigon Co.Op, Circle K, B's Mart, Mini Stop, 7-Eleven, GS25...
Các đại gia Việt gần đây đẩy mạnh sở hữu mạng lưới các cửa hàng để bán rất nhiều các loại mặt hàng.
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài đẩy mạnh bán nổi niêu, xoong chảo, bát đĩa, đồng hồ,... và ghi nhận doanh thu quý 1 tăng trưởng 29%. MWG bắt đầu thực hiện chiến lược "bán những sản phẩm chưa từng bán" và bước đầu đã có kết quả khả quan.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản vẫn ở mức rất thấp nhưng việc khối ngoại mua ròng góp phần làm giảm bớt sự ảm đạm chung. Một số cổ phiếu lớn được các nhà đầu tư quan tâm bao gồm: Vietcombank, Sabeco, Masan, Vinhoems,...
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.
Theo Chứng khoán Bảo Việt, thị trường dự báo sẽ tiếp tục biến động theo xu hướng giằng co, đi ngang. VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng kẹp được chặn trên bởi vùng quanh 980 điểm và cận dưới nằm tại 965-968 điểm trong những phiên đầu tuần tới.
Còn theo BSC, thị trường không còn động lực từ mùa công bố kết quả kinh doanh, thị trường chờ đợi vào dòng tiền mới từ ETFs khi Việt Nam được tăng tỷ trọng trong chỉ số MSCI frontier.
Bên cạnh đó, hoạt động cơ cấu danh mục theo sự thay đổi thành phần VN30 kỳ I/2019 cũng ảnh hưởng đến thị trường trong bối cảnh thanh khoản duy trì ở mức thấp. Mùa công bố KQKD cơ bản hoàn thành, thị trường đang phân hóa mạnh và chỉ tích cực trên diện hẹp ở nhóm cổ phiếu có KQKD tích cực. Thị trường vẫn cần thông tin hỗ trợ và cú huých từ tiền ETFs để thu hút lại sự chú ý NĐT trong ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/5, VN-Index giảm 4,36 điểm xuống 974,14 điểm; HNX-Index giảm 0,13 điểm xuống 106,87 điểm. Upcom-Index giảm 0,13 điểm xuống 55,77 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 185 triệu đơn vị, trị giá 3,7 ngàn tỷ đồng.