Các hãng hàng không Việt Nam đang chuẩn bị triển khai các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ. Theo Nikkei Asian Review, điều này sẽ mở đường cho một kỷ nguyên mới của mối quan hệ kinh tế giữa quốc gia Đông Nam Á và thị trường xuất khẩu lớn nhất của nó.
Ba hãng hàng không Việt Nam, trong đó có Vietnam Airlines, dự kiến sẽ bắt đầu các chuyến bay thẳng đến Mỹ ngay trong năm nay, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển khoảng 8 giờ.
Các chuyến bay hiện mất 20,5 giờ để bay từ TP.HCM đến San Francisco vì phải quá cảnh tại Incheol, Hàn Quốc. Đường bay trực tiếp đến San Francisco hoặc các thành phố lớn khác trong khu vực Bờ Tây sẽ chỉ mất khoảng 13 giờ.
Quan hệ kinh tế giữa hai nước đã phát triển ổn định trong những năm gần đây. Mỹ là thị trường lớn cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và là nhà của 2 triệu người nước ngoài Việt Nam.
Vào tháng 2, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) tuyên bố rằng Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, mở ra cánh cửa cho các chuyến bay trực tiếp của các hãng hàng không Việt Nam đến Mỹ.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Việt Nam được FAA xếp hạng 1 trong chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế. Điều này có nghĩa là cơ quan này đáp ứng các tiêu chuẩn về cấp phép nhân sự, hoạt động và khả năng vận chuyển hàng không.
Vào tháng 2, các hãng hàng không Việt Nam đã ký các thỏa thuận trị giá 20,9 tỷ USD bên lề hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội.
Ông Trump ca ngợi các thỏa thuận, nói rằng: "Khi quan hệ đối tác phát triển, chúng ta sẽ đạt được sự thịnh vượng và thành công lớn cho người dân Mỹ và cho người dân Việt Nam."
Nikkei Asian Review nhận định Vietnam Airlines và VietJetAir rất có thể là những hãng hàng không đầu tiên cung cấp dịch vụ bay trực tiếp đến Mỹ. Một số hãng hàng không Mỹ cũng sẽ xem xét tận dụng cơ hội kinh doanh mới này.
Các hãng hàng không Việt Nam có thể sẽ bắt đầu với các chuyến bay đến San Francisco và các thành phố khác có cộng đồng người Việt lớn và sau đó dần dần mở rộng dịch vụ của họ đến các thành phố lớn khác của Mỹ như Washington và Chicago.
Bamboo Airways cũng nhắm đến thị trường Mỹ khi CEO Trịnh Văn Quyết nói với Nikkei Asian Review rằng nhu cầu cho các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ của khách du lịch Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tăng cao. "Chúng tôi sẽ đặc biệt tập trung vào việc mở rộng các dịch vụ sang Mỹ và Châu Âu trong ba năm tới", ông nói.
Khoảng 690.000 người đã đi từ Mỹ sang Việt Nam vào năm 2018, tăng 12% so với năm trước và tăng 60% so với 5 năm trước đó. Mỹ là nguồn khách quốc tế lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Số lượng du khách từ Việt Nam đến Mỹ là gần 100.000.
Nhưng các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ có thể không sinh lãi ngay lập tức cho các hãng hàng không Việt Nam. Ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines, chia sẻ với báo giới rằng công ty có thể lỗ 30 triệu USD cho dịch vụ bay thẳng đến Mỹ trong năm đầu tiên. Ông cũng cho biết sẽ mất ít nhất 5 năm để các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ có thể sinh lãi.
Trong khi đó, thị trường hàng không nội địa Việt Nam chắc chắn sẽ trở nên cạnh tranh hơn trong những năm tới. Ngoài Bamboo, Vietravel đã nộp đơn xin phép thành lập một hãng hàng không.
Nikkei Asian Review nhận định rằng chỉ các hãng hàng không thắng thế trước các đối thủ trong thị trường nội địa mới có thể cung cấp các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ, vì nó sẽ không có lợi nhuận trong tương lai gần.