Không thể hạ cánh an toàn!
Đó là nói tới những trường hợp vừa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy ban) kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và được nêu trong Thông báo kỳ họp thứ 35 của Ủy ban vào chủ nhật vừa qua. Đáng nói là, trong số những nhân vật được “gọi tên” có rất nhiều người là cán bộ cấp cao. Có người đang đương chức nhưng có nhiều người trong số này đã nghỉ hưu- nghĩa là đã “hạ cánh”.
Bằng kết luận của kỳ họp thứ 35, những cán bộ ấy đã không thể hạ cánh an toàn. Và, cũng bằng kết luận ấy, có thể thấy thực sự không có vùng cấm trong công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng ta đã thực hiện lâu nay.
Cụ thể, trong kỳ họp thứ 35 đã có ít nhất 5 cán bộ cấp Thứ trưởng hoặc tương đương và 1 cựu Phó Thủ tướng được đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm; thậm chí đã có những đề xuất về án kỷ luật đối với những cá nhân cụ thể.
Đây không phải lần đầu tiên những án kỷ luật nặng thế này được đưa ra trong nhiệm kỳ XII của Đảng. 35 phiên họp của Ủy ban, có nhiều nhân vật cấp cao cỡ Ủy viên Trung ương Đảng đã được gọi tên. Riêng năm 2018, theo báo cáo, cấp uỷ các cấp đã kiểm tra 56.540 tổ chức đảng và 290.451 đảng viên, trong đó có 65.621 đảng viên là cấp uỷ viên các cấp (tăng hơn 20% đảng viên; giảm 5% tổ chức so với năm 2017). Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của 3.763 tổ chức đảng và 10.844 đảng viên (tăng 162 tổ chức, 465 đảng viên so với năm 2017); trong đó: Ủy ban đã kiểm tra 14 tổ chức và 8 đảng viên (tăng 2 tổ chức; giảm 8 đảng viên so với năm 2017), sau kiểm tra đã kịp thời xem xét, kỷ luật theo thẩm quyền và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo 1 tổ chức đảng và 12 đảng viên bằng các hình thức từ cảnh cáo đến khai trừ; Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra 3.749 tổ chức đảng và 10.836 đảng viên, kết luận 2.691 tổ chức đảng và 8.768 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 184 tổ chức đảng và 3.879 đảng viên. Riêng trong năm 2018, nhiều đảng viên là Ủy viên Trung ương Đảng hoặc nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng đã bị kỷ luật rất nặng.
Chính nhờ sự nghiêm khắc ấy và nhờ sự đi trước mở đường của Ủy ban Kiểm tra của Đảng đã giúp cho các cơ quan của Nhà nước có cơ sở để xử lý hành chính thậm chí là xử lý về pháp luật đối với những cá nhân, tổ chức có vi phạm nghiêm trọng.
Bản thân sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban Kiểm tra các cấp cho thấy bản lĩnh, không ngại va chạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ của hệ thống các cơ quan kiểm tra Đảng. Chính điều này đã góp phần tiếp thêm sức cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong toàn Đảng và cổ vũ, động viên tinh thần của nhân dân để nhân dân thêm sức mạnh, thêm quyết tâm giúp Đảng giám sát cán bộ.
Trở lại với những vụ việc vừa được kiểm tra dấu hiệu vi phạm, có thể thấy, rõ ràng không ai, không vụ việc nào có thể dễ dàng “chìm xuồng” nhất là những vụ án tham nhũng. Cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, vụ đất đai tại Ba Vì hay vụ đất quốc phòng sử dụng sai mục đích- đó là mới nói nhẹ tới mấy vụ án có dấu hiệu và hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm. Thậm chí, có những vụ việc như vụ việc ở Cảng Quy Nhơn- người đứng đầu một ngành đã bị xử lý, đang trong quá trình chấp hành hình phạt thì nay, tổ chức đảng cũng như các cá nhân liên quan khác cũng được đề nghị xem xét trách nhiệm và xử lý.
Thực ra, trong nhiệm kỳ XI, Đảng ta đã quan tâm đặc biệt hơn các nhiệm kỳ trước việc phòng chống tham nhũng nhưng do những lý do khác nhau mà vào thời điểm đó, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được như mong muốn. Cuối nhiệm kỳ XI, trong buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII, nhiều cử tri khi ấy đã nói lên tâm trạng lo âu về nạn tham nhũng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lúc đó nhiều cử tri đề nghị cần quyết liệt hơn để đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Vì, qua quan sát của cử tri và nhân dân vào thời điểm ấy, nhiều công trình được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng hoành tráng, nhưng hiệu quả sử dụng không cao, trong khi thanh niên, thiếu nhi còn thiếu nơi sinh hoạt, vui chơi, tập luyện; việc sử dụng xe công đi lễ hội vẫn diễn ra... Cử tri cho rằng, Đại hội XII của Đảng đánh giá tình trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng, đồng thời đề ra nhiều giải pháp phòng, chống vấn nạn nguy hại này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiệu quả thực hiện, như vấn đề kê khai tài sản, công tác thanh tra, kiểm tra... Cử tri khi ấy cũng cho rằng, cần củng cố đội ngũ thanh tra các cấp, đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng ngay trong đội ngũ thanh tra. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, phải luôn đi đầu, làm gương, thực sự liêm chính, có như vậy mới tạo được chuyển biến thực sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Sang nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII việc chống tham nhũng đã có những chuyển biến về chất. Nếu đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cử tri Nguyễn Văn Tính (TP Hồ chí Minh) còn trăn trở trước tình trạng tham nhũng đang trở thành quốc nạn và coi đây là giặc nội xâm đang đi sâu vào từng người, từng người một mà chúng ta chưa nhận diện hết được thì đến nay nhiều cử tri đã không còn bày tỏ hoài nghi như vậy. Đây là điểm đáng quan tâm vì nó cho thấy, cử tri đã tin tưởng cuộc đấu tranh chống tham nhũng là “trận đánh” thật và sẽ làm thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, từ thực tế đấu tranh chống tham nhũng gần đây có thể thấy không phải không còn những khó khăn. Nhưng với những doanh nghiệp, những cán bộ làm ăn chân chính, tuân thủ quy định pháp luật có lẽ không có gì phải lo lắng, nghe ngóng. Bởi, Đảng chống tham nhũng trong khi rất cổ vũ, tạo điều kiện cho những cá nhân, tập thể làm ăn chân chính, minh bạch phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và đất nước.