Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng việc Nhật Bản lập ra đơn vị chiến đấu thường trực mới sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ chính trị, kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản .
Tờ báo Nhật Bản, trích dẫn các nguồn tin chính phủ ẩn danh, cho hay có tới 300 lính đổ bộ lực lượng phản ứng nhanh đang hoạt động trên các tàu vận tải lớp Osumi, trước đây thuộc lục quân Nhật Bản. Đơn vị này lần đầu tiên được lực lượng phòng vệ Nhật Bản giới thiệu vào tháng 4 năm 2018. Họ đóng quân tại các căn cứ của lính thủy đánh bộ ở Okinawa, nơi họ di chuyển đến từ đảo Kyushu.
Báo Yomiuri cũng cho biết các đơn vị cơ động có thể được triển khai sớm nhất vào năm tới trên các tàu chiến với lượng giãn nước 8000 - 9000 tấn. Những chiếc tàu loại này có khả năng mang theo tới tám máy bay trực thăng, và cũng có sàn được trang bị đặc biệt ở đuôi tàu, từ đó có thể xuất phát tàu đổ bộ cỡ nhỏ.
Nhật Bản đã mở rộng tiềm năng quân sự ở vùng biển phía tây nam trong hơn một năm qua, Yang Danzhi - chuyên gia tại Trung tâm An ninh Khu vực của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik:
“Nhật Bản hiện đang tăng cường các vị trí phòng thủ theo hướng tây nam. Họ đã triển khai các đơn vị phản ứng nhanh trên các đảo khu vực tây nam. Ví dụ xung quanh quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) đã xảy ra một loạt sự cố đe dọa an ninh. Trong trường hợp triển khai lực lượng phản ứng nhanh, Nhật Bản sẽ có cơ hội thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng. Do đó sự kiện mang tính bước ngoặt trong việc triển khai lực lượng phản ứng nhanh, cũng như hậu quả tiềm tàng, đã thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Bây giờ Nhật Bản dự định triển khai đơn vị phản ứng nhanh trên tàu chiến. Trên thực tế việc này có nghĩa là Nhật Bản có thể tham gia và can thiệp vào các tình huống khủng hoảng bên ngoài biên giới, cũng như thực hiện các cuộc tấn công phòng ngừa. Việc triển khai đơn vị phản ứng nhanh trên tàu chiến thực sự cho thấy lực lượng phòng vệ Nhật Bản bắt đầu có những dấu hiệu hung hăng, thay đổi chiến lược từ phòng thủ sang tấn công. Việc triển khai đơn vị phản ứng nhanh lục quân trên tàu chiến cũng cho thấy tiềm năng việc Nhật Bản đe dọa và can thiệp vào các vấn đề các nước láng giềng và các quốc gia nằm dọc theo vành đai biên giới của nước này”.
Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Họ liên tục thể hiện mong muốn bảo vệ quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), mà Nhật coi là của mình. Các đơn vị đổ bộ được bố trí để tăng cường khả năng răn đe chống lại cái gọi là "sự xâm lược từ bên ngoài", chuyên gia Viện Viễn Đông Valery Kistanov nói:
“Mối đe dọa chính, như được chính thức công nhận ở Tokyo, là từ Trung Quốc – với sức mạnh quân sự gia tăng và các hoạt động hải quân tích cực, đặc biệt là xung quanh quần đảo Điếu Ngư. Sự gia tăng tiềm năng đổ bộ của Nhật Bản được giải thích từ nhu cầu bảo vệ các hòn đảo phía nam của Nhật Bản, cũng như đảo Điếu Ngư đang tranh chấp, khỏi "sự xâm lược" có thể có. Trong trường hợp mất những hòn đảo này, người Nhật có khả năng sẽ cố gắng chiếm lại từ tay Trung Quốc”.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwai đã đến thăm đảo Miyakojima ở tỉnh Okinawa, gọi đây là phòng thủ tuyến đầu của Nhật Bản. Bộ trưởng cũng xác nhận Tokyo quan ngại về tham vọng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực. Về vấn đề này, ông cho biết trong tháng 3 tới, các phiên bản tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không mới nhất sẽ được đặt trong căn cứ lục quân mới của lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên đảo. Phiên bản nâng cấp tên lửa chống hạm Type 12 sẽ có tầm bắn lên tới 300 km, trong khi khoảng cách từ đảo Miyakojima đến quần đảo Điếu Ngư là khoảng 200 km.
Rõ ràng là Trung Quốc sẽ không ngồi yên trước các hoạt động quân sự của Nhật Bản gần biên giới. Trong khi đó, tình huống nghiêm trọng mới, theo lời của Valery Kitsanov, “nói chung sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương”. Chuyên gia tin rằng “yếu tố Mỹ” sẽ tạo ra một động lực mạnh mẽ mới để Trung Quốc và Nhật Bản tiến lại gần nhau.
“Hoa Kỳ thực hiện một chính sách thương mại gay gắt, gây hấn mạnh mẽ đối với cả Trung Quốc và Nhật Bản, vì vậy hai nước có lý do để hội tụ. Đây thực sự là động lực cho phép họ gạt bỏ mối thù, kể cả về lãnh thổ và củng cố mối quan hệ kinh tế”, chuyên gia tin tưởng.
Ông nhắc lại rằng thủ tướng Shinzo Abe đã đến thăm Trung Quốc vào năm ngoái, và có lẽ Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình cũng sẽ đến thăm Nhật Bản, không chỉ trong khuôn khổ hội nghị G20, mà còn là một chuyên thăm viếng chính thức.