Những người tham gia cuộc diễu hành này là công dân Nga và công dân các nước SNG đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đại diện Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các học sinh Trường PTTH trực thuộc Đại sứ quán Nga tại Hà Nội, sinh viên Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Cảnh sát Nhân dân, các sinh viên đại học và học viên tiếng Nga - tổng cộng hơn 1.200 người. Nhà điều phối hoạt động này là Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.
Theo truyền thống, trước khi bắt đầu sự kiện, tất cả những người tham gia được trao Dải băng Georgi - biểu tượng chính của Chiến thắng. Đáng chú ý là tại cuộc diễu hành trọng thể đã vang lên những khúc nhạc bất hủ như “Tạm biệt em gái Slavơ”, “Ngày Chiến thắng", "Cuộc chiến tranh thần thánh" và nhiều nhạc phẩm khác qua trình tấu của dàn nhạc Trung đoàn Vệ binh danh dự thuộc Bộ Tổng tham mưu Bộ QP Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động này đã khai mạc Triển lãm ảnh dành riêng kỷ niệm 80 năm bắt đầu Thế chiến II; Kỷ niệm 75 năm phá bỏ hoàn toàn vòng vây Leningrad và kỷ niệm 75 năm giải phóng Belarus khỏi quân xâm lược phát-xít Đức.
Điểm nhấn quan trọng trong lễ kỷ niệm 74 năm Chiến thắng của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại và kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam Việt Nam là buổi hòa nhạc “Tiếng nói Chiến thắng”.
Diễn giả đầu tiên là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam K.V. Vnukov đã lưu ý đến ý nghĩa đặc biệt của hoạt động xã hội-yêu nước "Trung đoàn Bất tử", ông nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chung của Nga và Việt Nam là giữ gìn hòa bình và bảo tồn thành quả chiến công của các anh hùng của đất nước, cũng như tôn vinh giá trị ký ức Chiến thắng.
Trong bài phát biểu của mình, Tùy viên quân sự Nga tại Việt Nam, Thuyền trưởng hạng 1 R.V. Boitsov đã chúc mừng toàn thể mọi người nhân ngày lễ và cảm ơn các thành viên có mặt tham gia hoạt động kỷ niệm.
Đại diện Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đại tá Nguyễn Khánh Duy bày tỏ lòng biết ơn sự hỗ trợ của Liên Xô và Nga đã giúp quân dân Việt Nam chiến thắng vẻ vang không chỉ trong cuộc kháng chiến giành độc lập, mà cả trong sự nghiệp khôi phục và xây dựng đất nước hậu chiến. Đại tá gửi tới tất cả những người có mặt trong ngày lễ lời chúc sức khỏe và thành công.
Chương trình hòa nhạc giới thiệu những điệu nhảy và bài hát qua phần trình diễn của học sinh và giáo viên từ trường PTTH thuộc Đại sứ quán Nga tại Hà Nội, sinh viên học tiếng Nga cũng như các học viên và giảng viên từ Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Cảnh sát Nhân dân Việt Nam. Đỉnh cao của ngày hội được hoan nghênh nhiệt liệt là tiết mục của các nhà ngoại giao Nga thể hiện một trong những khúc ca nổi tiếng và mang tính biểu tượng nhất – bài hát “Ngày Chiến thắng”.
Kết thúc buổi lễ hội, toàn thể cử tọa đã tôn vinh ký ức về những người đã ngã xuống trong cuộc chiến bằng phút im lặng mặc niệm.