Trong khuôn khổ phiên họp của UBTVQH chiều 9-5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ 7 của Quốc hội là 20 ngày, khai mạc ngày 20-5 và bế mạc vào ngày 14-6.
Thời gian thảo luận đối với một số dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được tăng thêm. Quốc hội không bố trí làm việc ngày thứ Bảy để dành thời gian cho các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc dự phòng trong trường hợp có nội dung sau khi đã được thảo luận tại hội trường và xét thấy cần thiết phải tăng thời gian thảo luận để có thêm ý kiến đóng góp.
Liên quan đến công tác lập pháp tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ băn khoăn về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và đề nghị nếu chưa chín muồi thì chưa vội thông qua tại kỳ họp này. Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh sau đó công nhận còn nhiều ý kiến rất khác nhau về dự án luật này.
“Dù có ý kiến cho rằng một số giải pháp có thể không mạnh bằng dự thảo trước, song tôi cho rằng dự thảo đã thể hiện khá cân bằng, đảm bảo được quyền lợi của các đối tượng được điều chỉnh. Gần đây mạng xã hội đẩy lên phong trào “nói không với rượu bia”, tuy là tự phát, nhưng cũng cho thấy vấn đề này đang rất bức xúc. Việc lùi lại dự án luật trong bối cảnh như vậy thì tôi cũng rất băn khoăn”, bà Thúy Anh phát biểu và đề xuất tiếp tục trình dự án tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Kiên trì đề xuất giải pháp mạnh để hạn chế tai nạn giao thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất giải pháp mạnh đối với những tài xế bị phát hiện nồng độ cồn quá mức quy định.
“Có thể đầu tiên là phạt lao động công ích, đi đào sông Tô Lịch chẳng hạn. Còn sử dụng ma túy mà lái xe gây tai nạn nghiêm trọng thì tước bằng vĩnh viễn”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì góp ý về giải pháp kỹ thuật: “Nếu phạt hình sự thì phải điều chỉnh cả trong Bộ luật Hình sự”. Đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh là không nên hoãn việc trình dự thảo luật, vì tâm lý xã hội đang rất bức xúc, ông Uông Chu Lưu nhận định: “Vẫn nên đưa dự Luật ra Quốc hội thảo luận ngay kỳ họp tới, để Quốc hội đóng góp ý kiến hoàn thiện. Để nhân dân hiểu hơn về công tác phòng chống, phòng ngừa tác hại của rượu bia thì nên tăng cường công tác truyền thông”.