Chủ trì buổi tiếp, ông Nguyễn Xuân Thắng Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal khởi nguồn từ những điểm tương đồng về giá trị lịch sử, văn hóa phật giáo phương Đông hài hòa và sâu lắng.
Trên nhiều chặng đường phát triển của mỗi nước, chính phủ và Nhân dân Nepal luôn dành cho Chính phủ và Nhân dân Việt Nam những tình cảm chân thành, sự ủng hộ tích cực cả trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đặc biệt, ngày 15/5/1975, sau khi nước Việt Nam được thống nhất, Việt Nam và Nepal đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chính trị-ngoại giao và kinh tế-thương mại.
"Việt Nam và Nepal - hai quốc gia đang phát triển ở châu Á, chia sẻ nhiều điểm tương đồng về vai trò của đảng cầm quyền, về văn hóa và lịch sử, mối quan tâm chung về hòa bình, phát triển và thịnh vượng ở khu vực và thế giới. Cá nhân ngài Thủ tướng cũng như Đảng cầm quyền và Nhân dân Nê-pan luôn dành cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tình cảm chân thành, ấm áp, thắm tình hữu nghị, đặc biệt là tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng như Trường Đảng Cao cấp mang tên Người! Cuộc đến thăm Học viện hôm nay của ngài Thủ tướng là một bằng chứng sinh động cho tình cảm đó”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Tại buổi nói chuyện, Thủ tướng Nepal nhấn mạnh, Học viện chính trị Hồ Chí Minh được thành lập như một sự tưởng nhớ đặc biệt nhà lãnh đạo vĩ đại Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, cũng như nhà lãnh đạo quốc dân về tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có vị trí đặc biệt trong phong trào xã hội chủ nghĩa và độc lập dân tộc trên thế giới.
Theo Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là 1 vị lãnh đạo phi thường đã làm đổi thay tiến trình lịch sử đem lại phong trào Chủ nghĩa xã hội trên thế giới 1 đường hướng mới, 1 động năng mới cũng như trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới đấu tranh vì quyền, vì tự do dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của sức mạnh dân tộc, của lòng can đảm, một lãnh đạo nhận được sự ủng hộ vô song của người dân để đánh bại một đế chế hùng mạnh, trở thành một biểu tượng đấu tranh chống lại sự can thiệp của nước ngoài.
“Cuộc Cách mạng Việt Nam, phong trào giải phóng dân tộc dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng lớn lao đối với phong trào Xã hội chủ nghĩa, dân chủ và ái quốc của Nepal. Mặc dù Nepal chưa bao giờ bị thực dân đô hộ nhưng chúng tôi vẫn phải đấu tranh chống lại những thế lực đế quốc chủ nghĩa ngoại bang, để bảo vệ chủ quyền, độc lập của mình. Điều này gắn kết, bền chặt hơn tình đoàn kết cũng như tình đồng chí giữa nhân dân hai nước”, Thủ tướng Nepal khẳng định.
Thủ tướng Nepal Oli cho rằng, Việt Nam đã vận dụng thành công chủ nghĩa Mác, là nguồn cảm hứng cho chính phủ Nepal để xử lý những thách thức đang phải đối mặt. Trong hoàn cảnh mới, hai nước đã có những chuyển biến chính trị quan trọng và đặt ra nhiều hoài bão trong xây dựng đường hướng phát triển mỗi nước. Chính vì thế, việc học hỏi lẫn nhau hữu ích cho cả 2 bên.
“Tôi hy vọng giao lưu kinh tế cũng như giao lưu chính trị và nhân dân giữa hai nước ngày càng được mở rộng và sâu sắc hơn trong tương lai. Tôi tin rằng, sự tương tác, giao lưu ngày càng tăng sẽ đưa quan hệ giữa Nepal và Việt Nam lên tầm cao mới, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Thông qua quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy mối quan hệ song phương cùng có lợi và quan hệ đối tác giữa hai nước”, Thủ tướng Nepal chia sẻ./.