Ngày 8.5 hằng năm, chúng tôi kỷ niệm Ngày Châu Âu, ngày mà mái nhà chung đã giúp thống nhất lục địa của chúng tôi lại với nhau. Chúng tôi cũng đồng thời kỷ niệm ngày Ngài Robert Schuman, lúc đó là Bộ trường Ngoại giao Pháp đã đưa ra tuyên bố thành lập. Vào ngày 9 tháng 5 năm 1950, 5 năm sau khi kết thúc Thế chiến thứ Hai, Ngài Schuman đã đề xuất một kế hoạch vì hoà bình thông qua việc đưa châu Âu về dưới cùng một mái nhà, thông qua việc chia sẻ những năng lực có chủ quyền dưới một quyền lực siêu quốc gia và được đưa vào trong các cơ quan chung.
Ngày nay, Liên minh châu Âu với một sự pha trộn phong phú các nền văn hoá của mình, với sự đa dạng các ngôn ngữ đã trở thành một “Ngôi nhà châu Âu” hoà bình, một trung tâm toàn cầu về di sản văn hoá, một trung tâm lớn về thương mại và đầu tư, khoa học và sáng tạo, và đang là một chủ thể ngày một nổi bật hơn trong chính trị quốc tế.
Trong những năm gần đây, các vị lãnh đạo châu Âu đã thể hiện rằng họ đã có sự can đảm để xử lý những vấn đề thách thức nhất – nếu như không muốn nói là mang tính tồn vong: từ cuộc khủng hoảng đồng euro cho tới khủng hoảng di cư và đến Brexit. Ở mỗi lần khủng hoảng thì chúng tôi luôn có sự thống nhất xuyên suốt trong mục tiêu và chúng tôi đứng dậy không chỉ đồng lòng mà còn mạnh mẽ hơn. Chúng tôi cũng đồng thời phải xử lý những tiếng nói của sự bất mãn chính trị, được thúc đẩy bởi những tác động tiêu cực của toàn cầu hoá.
Trong khi chúng tôi giải quyết những cuộc khủng hoảng lớn, chúng tôi vẫn nỗ lực trong việc đảm đương những trách nhiệm toàn cầu của mình. Ngày nay, trong số 10 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, các bạn sẽ tìm thấy 5 trong số đó tới từ châu Âu. EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất về hàng hoá và dịch vụ: gấp đôi kim ngạch của Trung Quốc, gấp ba của Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài số 1 trên thế giới tại ASEAN, Ấn Độ, Hoa Kỳ, cũng như tại Trung Quốc. Đồng Euro đã nhanh chóng trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ hai thế giới.
EU cùng với các nước thành viên cung cấp tới 60% vốn viện trợ phát triển, và là nhà đóng góp chính cho hoạt động của LHQ. Trong lĩnh vực kinh tế số, trong 4 công ty đi đầu trên thế giới về công nghệ 5G, 2 công ty trong số đó là của châu Âu và đang hoạt động tại Việt Nam. Hơn bao giờ hết, EU hiện đang rất quan tâm theo đuổi sự “Tự chủ Chiến lược” và định hình chính sách đối ngoại của mình dựa trên những điều khoản của chính mình. Chúng tôi cũng nghiêm túc trong việc gia tăng sự can dự an ninh tại châu Á và với các đối tác châu Á trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, an ninh mạng và gìn giữ hoà bình.
Rất nhiều người đang kỳ vọng vào vai trò của EU trong bảo vệ trật tự đa phương dựa trên luật lệ đồng thời tìm kiếm giải pháp ứng phó với những thách thức trước mắt đang khiến cho tất cả chúng ta lo ngại.
EU là người đảm bảo cho thương mại tự do và công bằng của bạn. Trong vòng 2 năm qua, chúng tôi đã hoàn tất các Hiệp định Thương mại Tự do với Canada, với Nhật Bản và Singapore. Trong khi Việt Nam là đối tác tiếp theo trong danh sách thì chúng tôi đã khởi động các vòng đàm phán với Indonesia, Philipines, Malaysia và Thái Lan, đồng thời chúng tôi cũng đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán giữa hai khối cùng với ASEAN.
Chúng tôi cũng đang tiếp cận châu Á với một chiến lược mới trong việc kết nối châu Âu và châu Á, thúc đẩy một sự kết nối mang tính bền vững, dựa trên luật lệ và toàn diện.
Trong tất cả những nỗ lực này, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng. Cũng giống như Liên minh châu Âu 70 năm về trước, các bạn đã phải vượt qua sự tàn phá hoàn toàn của chiến tranh và phải đẩy nhanh tốc độ phát triển của mình. Việt Nam đã làm tốt và ngày nay các bạn có một nền kinh tế cởi mở thứ hai trong ASEAN sau Singapore, và các bạn là nước xuất khẩu hàng hoá lớn nhất vào EU. Trong số 10 quốc gia ASEAN, Việt Nam có số lượng đông đảo nhất các sinh viên và học giả đến EU. Trong ASEAN, các bạn sẽ là nước thứ hai ngay sau Indonesia ký một Hiệp định nhằm cấm việc buôn bán gỗ bất hợp pháp, bảo vệ rừng tự nhiên và đạt tới một sự tiếp cận bền vững đối với thị trường EU.
Chúng tôi luôn luôn nỗ lực hết mình để trở thành đối tác phù hợp nhất của Việt Nam. Cụ thể là thông qua sự hợp tác của chúng tôi về cải cách ngành Y tế cùng với Bộ Y tế, với Bộ Công Thương về Cải cách Ngành Năng lượng (chương trình lớn nhất của chúng tôi bên ngoài châu Âu), hợp tác với Bộ Tư pháp cùng đối tác là Liên hợp quốc về Cải cách Ngành Tư pháp, thông qua sự hợp tác của chúng tôi với Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước Việt Namtrong lĩnh vực Quản lý Tài chính công.
Vào thứ Sáu, ngày 10.5, chúng tôi đồng tổ chức kỳ họp lần đầu tiên của Uỷ ban Hỗn hợp EU-Việt Nam. Chúng tôi sẽ thảo luận về các vấn đề chiến lược toàn cầu và khu vực, bao gồm cả An ninh và Quốc phòng; Thương mại và Phát triển Bền vững; Pháp quyền, Quản trị công Hiệu quả và Quyền con người. Đây là một bước tiến mới trong việc triển khai quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên.
Trong những tháng tới đây chúng tôi đã lên kế hoạch cho những bước xa hơn. Chúng tôi hy vọng có thể lần đầu tiên ký kết Hiệp định khung về Gia nhập trong lĩnh vực Quản lý Khủng hoảng Dân sự và Quân sự trong tháng 6 tới. Hiệp định này sẽ cho phép Việt Nam đóng góp lực lượng vào các chiến dịch do EU lãnh đạo khi mà tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tới nay đã có Úc, Hàn Quốc và New Zealand đang triển khai hoạt động hợp tác này. Vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, chúng tôi hy vọng ký được Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư. Sau mùa hè này, Nghị viện châu Âu mới được bầu sẽ tập trung vào việc xem xét phê chuẩn các hiệp định nêu trên.
Điều này có nghĩa rằng với những khối liên kết hiện có, cùng với thời điểm Việt Nam sẽ tham gia vào Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như vai trò chủ tịch của Việt Nam trong ASEAN vào năm 2021, EU và Việt Nam sẽ cùng bước vào một chương mới trong quan hệ đối tác hai bên:
- tham gia vào liên minh của các lực lượng ôn hoà trong chính trị quốc tế ủng hộ cho một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ;
- bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN và những nguyên tắc quan trọng của Liên hợp quốc;
- thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Đông Nam Á và xa hơn nữa;
- tăng cường sự tiếp xúc giữa nhân dân hai phía;
Mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU là minh chứng cho một sự gắn kết mạnh mẽ của chúng ta vì một thế giới tốt đẹp hơn.