Theo ông Hòa, đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, cặp rắn hổ mây "khủng" này thuộc nhóm quý hiếm, nguy cấp, cần được bảo vệ.
"Người dân khi bắt được thú rừng thì giao nộp về cơ quan chức năng để bảo tồn. Hai con rắn này lớn, chắc phải gửi về các trung tâm bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm", ông Hòa nói thêm
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết rắn hổ mây chính là rắn hổ mang chúa. Loài này hiện đang thuộc nhóm nguy cấp, cần được bảo vệ. Chi cục sẽ sớm có báo cáo gửi UBND tỉnh An Giang để xin ý kiến xử lý 2 con rắn mới bị bắt này.
"Miền Nam gọi là hổ mây, vì loài này dáng đứng gần như toàn thân, mang to hơn bình thường. Trong sách vở gọi là hổ mang chúa. Đúng lý phải thả về môi trường tự nhiên nơi nó sinh sống, nhưng khu vực đó đang triển khai dự án, tác động lớn đến môi trường sinh sống rồi. Tôi nghĩ rất khó thả về đó mà phải gửi ở các trung tâm bảo tồn lớn. Thẩm quyền quyết định việc này thuộc về UBND tỉnh", ông Hòa nói.
Trong khi đó, anh Lê Nguyễn Hoàng Anh Duy - giám đốc dự án Điện năng lượng mặt trời An Hảo, huyện Tịnh Biên - cho biết hiện tại quanh dự án này đã được đơn vị thi công lắp đặt hàng trăm biển cảnh báo rắn độc để công nhân đề phòng. Từ khi thi công dự án này, gần 2.000 công nhân khu vực liên tục bắt được hàng trăm con rắn độc.
Như đã đưa tin, một nhóm công nhân và kỹ sư người Ấn Độ đã phát hiện và bắt được cặp rắn hổ mây khủng gần 60kg, dài khoảng 6-7m/con ở núi Cấm, An Giang. Tập đoàn Sao Mai đã yêu cầu đem về Khu du lịch Đồi Tức Dụp, xã An Tức, huyện Tri Tôn.