Cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ song phương đã bắt đầu vào năm 2018 và nhanh chóng ảnh hưởng đến nền kinh tế, chính trị và lĩnh vực quân sự, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin lưu ý trong bài bình luận cho Sputnik.
Trên thực tế, hiện nay có thể nói về sự khởi đầu của cuộc chiến tranh lạnh toàn diện với những mục tiêu rõ ràng. Cuộc chiến thuế quan do chính quyền Trump phát động chống lại Trung Quốc với lý do loại bỏ sự mất cân bằng thương mại chỉ là một phần nhỏ của cuộc chiến tranh lạnh quy mô lớn. Chính quyền Hoa Kỳ khá nhanh chóng bắt đầu áp đặt và thảo luận về các biện pháp trừng phạt mà trước đây không thể tưởng tượng được ở nước Mỹ. Ví dụ, hạn chế trao đổi nghiên cứu với các nhà khoa học Trung Quốc trong nhiều chuyên ngành không liên quan đến công nghệ quân sự và hạn chế tiếp nhận sinh viên Trung Quốc vào các trường đại học Mỹ trong một số lĩnh vực kỹ thuật.
Những lý do nào thúc đẩy Hoa Kỳ gây áp lực lên Trung Quốc bằng những phương pháp thô bạo như vậy ? Hiện tại, trong giới lãnh đạo Mỹ có sự đồng thuận về việc: Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính của Hoa Kỳ, và cần phải làm cho nước này suy yếu và kiềm chế nó. Tuy nhiên, chiến thuật gây áp lực đối với Trung Quốc, bao gồm việc chuyển nhanh sang đối đầu toàn diện, cuộc chiến thương mại, tăng cường quan hệ với Đài Loan và gia tăng áp lực quân sự ở Thái Bình Dương - đây là một đặc điểm của chính quyền Trump.
Hoa Kỳ đã bắt đầu theo đuổi chính sách “Xoay trục Châu Á- Thái Bình Dương” dưới thời Tổng thống Obama. Khi đó, Washington đã hành động theo từng giai đoạn, không tập trung quá nhiều vào các công cụ quân sự, mà tạo ra các cấu trúc kinh tế mới (ví dụ, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và tăng cường các liên minh do Mỹ kiểm soát trong khu vực.
Mối quan hệ song phương chuyển sang thế đối đầu gay gắt bởi vì các chính trị gia Mỹ đương đại có hệ thống quan điểm đặc biệt về Trung Quốc, về hệ thống chính trị, kinh tế, lịch sử và văn hóa của nước này. Cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, do chính quyền Trump phát động, có thể dẫn đến một thảm họa chiến lược mới vì Mỹ đánh giá thấp kẻ thù. Những người vạch ra chính sách hiện tại của Mỹ với Trung Quốc đều tin rằng, Trung Quốc là “người khổng lồ có đôi chân đất sét” sẽ sụp đổ sau một cú đánh mạnh.
Hệ thống quan điểm sai lầm có một số nguồn gốc. Trước hết, đây là hệ tư tưởng với bản chất giáo điều của người Mỹ đã thâm nhập sâu vào tất cả các khía cạnh của chính sách đối ngoại. Hệ tư tưởng này giả định rằng, không thể có sự phát triển kinh tế ổn định ngoài khuôn khổ hệ thống giá trị và các cơ chế chính trị và kinh tế do Hoa Kỳ áp dụng. Các ví dụ lịch sử về sự phát triển không phù hợp với ý thức hệ này (trước hết là Liên Xô sau năm 1945 cho đến giữa thập niên 1970, một số quốc gia châu Á trong những năm 1950-1990) không được tính đến ở Mỹ.
Thứ hai, đây là việc sử dụng có chọn lọc những chỉ số kinh tế và kết luận của chuyên gia về tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc. Hiện tại, các nhà kinh tế có uy tín tiếp tục tranh luận về mô hình kinh tế Trung Quốc và triển vọng phát triển của nó. Trong vô số quan điểm và ý kiến khác nhau, các chính trị gia và quan chức Mỹ chỉ chú ý đến những chuyên gia làm vừa lòng họ. Do đó, họ tin rằng, Trung Quốc là một bên dễ bị tổn thương trong cuộc chiến kinh tế. Họ phóng đại quá mức ý nghĩa của mối quan hệ kinh tế đối ngoại, ngoại thương và đầu tư nước ngoài trong sự phát triển của Trung Quốc sau năm 1978. Họ rút ra kết luận từ sự mất cân đối cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc vì trong nhiều năm nhà nước kích thích tăng trưởng kinh tế bằng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng.
Hoa Kỳ cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang chịu gánh nặng của nợ công lên đến 280% GDP và số lượng lớn các doanh nghiệp đã xuất hiện trong thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ của ngành xây dựng đang phải vật lộn để thanh toán các khoản nợ, đang bị bệnh nặng và sẽ sụp đổ chỉ do một cú đẩy. Vấn đề là ở chỗ: logic như vậy có thể được áp dụng cho chính Hoa Kỳ. Làm thế nào Mỹ có thể cáo buộc Trung Quốc về tăng trưởng không lành mạnh trong khi toàn bộ chính sách của Hoa Kỳ nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 và hỗ trợ tăng trưởng tiếp theo dựa trên việc "thổi" nợ công của Mỹ?
Đã từ lâu nợ công của Mỹ vượt qua mức 100% GDP và tăng đến mức không thể tưởng tượng vào đầu những năm 2000. Đồng thời, Hoa Kỳ phụ thuộc vào tài chính bên ngoài và quan hệ kinh tế quốc tế ở một mức độ lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Hoa Kỳ dễ bị tổn thương với các cú sốc trong hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu, ngoài việc buôn bán hàng hóa, chúng ta còn tính đến thương mại dịch vụ và doanh thu đáng kể của các tập đoàn Mỹ ở Trung Quốc, thì sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào quan hệ với Trung Quốc trở nên không kém quan trọng, và thậm chí quan trọng hơn so với quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Cuối cùng phải nói đến quan điểm của Mỹ về lịch sử Trung Quốc. Theo quan điểm này, lịch sử cho thấy rằng, Trung Quốc là một chiến binh yếu kém với hệ thống quân sự không hiệu quả, thường bị thua trước bất kỳ đối thủ mạnh nào và luôn tìm kiếm hòa bình ngay sau cú đánh mạnh đầu tiên.
Trung Quốc là một quốc gia với hàng ngàn năm lịch sử. Trong lịch sử Trung Quốc có nhiều chiến thắng vĩ đại, có cả những thất bại đáng xấu hổ. Tuy nhiên, bản thân việc quốc gia này vẫn tồn tại và lãnh thổ Trung Hoa dần mở rộng cho thấy rằng, lịch sử quân sự của Trung Quốc nói chung, thành công hơn so với đa số nước khác. Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều trang vinh quang. Trong thế kỷ XX, vào những năm 1937-1945, Trung Quốc đã thể hiện sự ngoan cố đáng ngạc nhiên và giành chiến thắng trong cuộc chiến phòng thủ chống lại một kẻ thù siêu đẳng, và sau đó, trong Chiến tranh Triều Tiên, đã có thể thành công trong cuộc chiến chống lại quân đội Mỹ.
Cuộc xung đột Trung-Mỹ có thể dẫn đến một thất bại chiến lược mới của Hoa Kỳ, vì Mỹ có quan niệm sai lầm về việc đối thủ sẽ "sụp đổ ngay sau một cú đánh mạnh". Chẳng hạn, chính logic này giải thích các cuộc tấn công của Napoléon và Hitler vào Nga, cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trung Quốc năm 1937, cuộc tấn công của Iraq vào Iran năm 1979 và nhiều chiến dịch không thành công khác. Có lẽ, thêm một ví dụ lịch sử như vậy sẽ sớm được bổ sung vào danh sách này.