Song, Nga và Mỹ vẫn có thể đạt thỏa thuận về một số vấn đề. Đây là ý kiến của chuyên gia Vladimir Slatinov từ Viện Nghiên cứu nhân văn và chính trị.
Hôm thứ ba, ông Pompeo đã có cuộc hội đàm tại Sochi với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Pompeo tới Nga với tư cách là Ngoại trưởng, tháng 3 năm 2018 ông đã được bổ nhiệm vào vị trí này. Ông Pompeo nhận xét rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin "biết rất rõ" các vấn đề của quan hệ Nga-Mỹ, và do đó, cuộc gặp ở Sochi đã mang lại kết quả.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Slatinov nói: Theo tôi, kết quả chính của cuộc đàm phán là giảm mức đối đầu giữa hai nước. Chính quyền Trump đang quay trở lại chiến lược chính trị với Nga đã được lên kế hoạch ngay từ đầu: như được biết, Tổng thống Mỹ đã từng tuyên bố rằng, ông có ý định tiến hành cuộc đối thoại cứng rắn với Matxcơva đồng thời ông muốn hòa thuận với Putin và thực thi chính sách thực dụng.
Chuyên gia nói thêm rằng, Trump đã nói như vậy trong bối cảnh chiến dịch công kích cuồng loạn cáo buộc ông thông đồng với Nga. Trump không thể không chú ý đến yếu tố này, nhưng sau khi công bố báo cáo của Mueller, mức độ cuồng loạn, áp lực lên ông đã giảm. Trump đã được phục hồi danh dự ở một mức độ nhất định, - chuyên gia giải thích.
Ngoài ra, theo chuyên gia Slatinov, một yếu tố rất quan trọng là thời gian gần đây tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ đã tăng lên, điều đó giúp Trump tự tin không thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Nga mà quay trở lại ý tưởng ban đầu - sự kết hợp giữa thái độ cứng rắn và thái độ hiện thực trong quan hệ với Matxcơva.
Đối thoại vẫn tốt hơn
Theo ông Slatinov, hiện nay trong chính quyền Mỹ có những người cứng rắn, nhưng họ hiểu rõ về tình hình địa chính trị, họ nhận thức được rằng, cần đối thoại với Matxcơva về một số vấn đề không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của Nga.
"Do đó, chương trình nghị sự của cuộc đối thoại Nga-Mỹ sẽ được xây dựng lại. Cuộc đối thoại và sự tương tác sẽ tiếp tục. Điều đó không có nghĩa là hai bên sẽ khắc phục các mâu thuẫn, những mấu thuận vẫn còn, nhưng mức đối đầu sẽ giảm", - ông Slatinov nói.
Chuyên gia nhấn mạnh rằng, không nên xây dựng bất kỳ ảo tưởng nào: Nga và Hoa Kỳ khác biệt đáng kể về lợi ích, nhưng "đối thoại vẫn tốt hơn". Nhà khoa học chính trị không loại trừ rằng, Nga và Hoa Kỳ có thể đạt thỏa thuận về một số vấn đề.
Sự trùng hợp không ngẫu nhiên
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc thiết lập đối thoại giữa Nga và Hoa Kỳ là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung, ông Slatinov nói.
Ông giải thích rằng, theo học thuyết chính sách đối ngoại của Mỹ, Hoa Kỳ nên theo đuổi một chính sách thực dụng hơn, không ràng buộc bản thân trong khuôn khổ các liên minh khác nhau. "Họ nên theo đuổi một chính sách thực dụng linh hoạt dựa trên sự tương tác và giao dịch với các quốc gia khác nhau, trước hết vì lợi ích của họ. Theo logic này, đối thủ chính của Hoa Kỳ là Trung Quốc. Mặc dù Nga không phải là nước đồng minh, nhưng bây giờ Hoa Kỳ cần đến Nga. Việc gia tăng sự căng thẳng trong quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc và ý muốn thiết lập cuộc đối thoại với Matxcơva không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, - nhà phân tích nhận xét.
Theo ông, bây giờ điều quan trọng đối với Hoa Kỳ trong sự hợp tác với Nga là để Matxcơva không xích lại gần nhau hơn với Bắc Kinh.