Chúng tôi gửi tới bạn đọc chuyên mục "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
Brookings Institution viết: đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được thành công kinh tế lớn nhất trong thế kỷ XXI. Chỉ một thế hệ trước, đất nước này là một trong những nước nghèo nhất thế giới, chịu đựng tình trạng xung đột trong nhiều thập kỷ và có nền kinh tế bị kế hoạch hóa. Sau ba thập kỷ tăng trưởng liên tục, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế với thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh. Nhưng, tờ báo lưu ý, nhiều động lực đã đóng góp cho sự tăng trưởng của Việt Nam, chẳng hạn như lao động giá rẻ, sẽ giảm trong thập kỷ tới. Tác giả viết về bốn phương hướng phát triển chính sẽ giúp Việt Nam tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đó là tăng vốn đầu tư vào sản xuất, đào tạo lực lượng lao động với các kỹ năng của thế kỷ XXI, khuyến khích đổi mới và hoàn thành việc tạo ra các cơ chế thị trường.
Khmer Times viết về quá trình phát triển một trong những động cơ quan trọng nhất của nền kinh tế hiện đại - ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam. Bây giờ lĩnh vực này đang bùng nổ và ngày càng giữ vai trò quan trọng trên thế giới. Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao trị giá khoảng 71 tỷ USD. Nước này là một trung tâm lớn trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và phần mềm CNTT, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan và Singapore, bài báo nhấn mạnh và giải thích những lý do thành công. Việt Nam có dân số trẻ với trình độ học vấn cao: tỷ lệ biết đọc biết viết là 93,7%; hơn 400 trường đại học và trường cao đẳng đào tạo 1,6 triệu sinh viên. Việt Nam có nguồn nhân lực CNTT lớn thứ hai tại Châu Á. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 300.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và học viện chuyên ngành CNTT tham gia vào thị trường lao động. Việt Nam nổi tiếng trên thế giới với tư cách một trung tâm gia công CNTT toàn cầu. Và Công ty Cổ phần FPT phục vụ khách hàng tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. Sự hỗ trợ tích cực của nhà nước cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành này.
Tạp chí Nikkei Asian Review dành một bài viết cho mối quan hệ đang phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hai quốc gia này đã mấy lần đối đầu trong lịch sử, có các hệ tư tưởng chính trị và vị trí khác nhau trên trường quốc tế, tác giả viết. Một quốc gia là nền dân chủ tư bản chủ nghĩa Đông Bắc Á trước đây đã phát triển nhanh chóng nhưng đang già đi, thời kỳ bùng nổ kinh tế đã qua. Quốc gia khác là nhà nước xã hội chủ nghĩa độc đảng trẻ của Đông Nam Á, đang trong giai đoạn đầu của phép màu kinh tế. Ở một mức độ nào đó, nhờ những khác biệt này thương mại song phương đã tăng 34 lần kể từ năm 2000. Trao đổi dòng khách du lịch hai chiều phát triển mạnh. Các nhà sản xuất lớn nhất của Hàn Quốc, kể cả Samsung, đã đầu tư hàng tỷ đô la vào các nhà máy Việt Nam như một “địa chỉ thay thế Trung Quốc”. Các nhà bán lẻ và các ngân hàng đang định hướng vào người tiêu dùng tiềm năng tại Việt Nam. Hai quốc gia đang hướng tới một tương lai chung. Quan hệ giữa hai nước phát triển đến mức - vào năm 2018, Việt Nam trở thành điểm xuất khẩu thứ ba của Hàn Quốc trong hai năm liền, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Như dự kiến, vào năm 2020 Việt Nam sẽ vượt trước Hoa Kỳ. ABS-CBN News thông báo về thành công lớn của hãng hàng không mới của Việt Nam Bamboo Airways. Trong sự cạnh tranh với hai công ty lớn nhất tại Việt Nam, Bamboo Airways đã đặt cược vào golf.
Và Business Day đưa tin rằng, Việt Nam đang tìm cơ hội xuất khẩu quả bơ sang Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa đóng cửa biên giới với Mexico khiến người tiêu dùng Mỹ lo ngại có thể thiếu nguồn cung cấp loại quả này. Ở Hoa Kỳ giá quả bơ đã tăng gần 50%.
Tác giả một bài viết trên Bloomberg tìm hiểu vấn đề: tại sao trong điều kiện thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Việt Nam cũng như với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ và ê kíp của ông thiện cảm với Việt Nam, không giống như với nước láng giềng phía bắc của Việt Nam. Có lẽ, yếu tố bảo vệ Việt Nam khỏi cuộc tấn công của Trump là quy mô của quốc gia này. Dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người ngang hàng với Philippines, còn GDP của nước này chỉ bằng 1% GDP Mỹ. Điểm mấu chốt: Việt Nam không phải là Trung Quốc về mặt địa lý, dân số, thương mại hay quân sự. Việt Nam không được coi là mối đe dọa đối với lợi ích chiến lược của Mỹ.
Một số phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin rằng, Việt Nam đang huy động quân đội và lực lượng cảnh sát để chống lại dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành trong nước, Việt Nam đã phải tiêu hủy trên 1,2 triệu con lợn, chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn của cả nước.
Cuối cùng, mục điểm báo xin khép lại với các bài viết về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông Nga. Trước thềm lễ khai mạc Năm Chéo LB Nga - Việt Nam, hãng tin IA REX đăng một bài viết dài về quan hệ Nga-Việt. Điều quan trọng nhất mà Matxcơva và Hà Nội thể hiện sự nhất trí hoàn toàn: quan hệ đối tác chiến lược là một yếu tố cơ bản trong mối quan hệ song phương. Tất nhiên, hệ thống quan hệ mới bao gồm không chỉ các thành phần chính trị - ngoại giao và kinh tế, không chỉ hợp tác quân sự - kỹ thuật, mà còn tương tác trong lĩnh vực công nghệ cao, trong tất cả các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa, bài báo viết. Kênh truyền hình Kultura giới thiệu cuộc triển lãm mang tên “Điểm đến - Việt Nam” vừa khai mạc tại Lưu trữ Văn học và Nghệ thuật Nhà nước Nga. Và hãng tin của Kaliningrad cho biết về chuyến đi của phái đoàn Việt Nam gồm đại diện các công ty du lịch lớn nhất và các nhà báo của các ấn phẩm du lịch lớn nhất của Việt Nam đến Kaliningrad để quảng cáo về khu vực phía tây nhất của Nga.