Dòng sông chuyển màu
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, bức ảnh của một nhà báo chụp ngã ba vàm Trà Ban ở thị xã Long Mỹ (Hậu Giang), cho thấy dòng nước đen thẫm đến mức khó tượng tưởng. Sáng 6/5, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức đoàn cán bộ khảo sát con sông đổi màu khủng khiếp thì dòng nước đã giảm đen nhưng nhiều cán bộ thị xã khẳng định, màu trong bức ảnh là sự thật nhưng chưa đủ vì chưa thể hiện được mùi hôi thối khủng khiếp.
Dòng nước đen này ở nguồn sông Cái Lớn, con sông lớn nhất ĐBSCL đổ ra biển Tây và cũng là một trong những khu vực giàu thủy sản; có cả thủy sản nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Con sông đổi màu xanh trong sang đen từ cuối tháng 4, đến nay từ vàm Trà Ban đã lan tới bốn xã của huyện Long Mỹ kế cận. Tôm, cá trên sông và của người dân nuôi bị chết nổi lên khắp nơi. Nhà máy nước sinh hoạt phục vụ hơn 6.000 hộ dân thị xã Long Mỹ vốn lấy nguồn nước mặt con sông lớn này đã phải dừng hoạt động. Người dân đang phải dùng nước chở về từ tỉnh lỵ Vị Thanh.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Kiên Giang điều tra nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Hiện nay, “đối tượng khả nghi số 1” là Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát có nhà máy nằm ven sông Cái Lớn, vẫn diện “khả nghi”.
Trước đây, Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát từng gây ô nhiễm dòng sông Cái Lớn nhiều ngày, được kiểm tra và triển khai biện pháp khắc phục cùng lời hứa không tái phạm. Bây giờ, nguyên nhân chưa xác định nên biện pháp khắc phục triệt để cũng chưa có.
Sáng 6/5, sau chuyến kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - Lê Tiến Châu cho biết, trước mắt yêu cầu nhà máy của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát tạm ngưng hoạt động.
“Nếu công ty không chấp hành mà vẫn hoạt động thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”, ông nói.
Cùng số phận
Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có sông Dương Đông dài 21,6 km, chảy hướng đông - tây ngang qua thị trấn Dương Đông đổ ra biển tại điểm du lịch Dinh Cậu. Đây là con sông lớn nhất đảo, còn có nhiều nhánh phụ với tổng chiều dài khoảng 63 km.
Nhiều năm trước, sông Dương Đông đã bị ô nhiễm, vào mùa khô bốc mùi hôi thối. Năm nay, cuối tháng 4 đầu tháng 5, nước sông đen kịt hơn mọi năm, bốc mùi hôi thối cả vùng rộng lớn. Thông tin từ Phòng TN&MT huyện Phú Quốc, hai bờ sông Dương Đông và các nhánh phụ có hơn 10.000 hộ dân sinh sống cùng 300 cơ sở sản xuất kinh doanh với phần lớn là cơ sở làm nước mắm, hầu hết xả thải ra sông.
Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Kiên Giang cử trinh sát mật phục, vừa bắt quả tang 3 cơ sở làm nước mắm xả nước thải không xử lý ra sông: Khải Hoàn, Hồng Việt 1, Thành Khoa. Cơ sở Khải Hoàn lớn nhất, có 700 thùng chượp, trung bình một thùng ủ 13 tấn cá, bị phát hiện đang thải nước ô nhiễm trực tiếp ra sông, làm cả khúc sông đen kịt, hôi thối.
Nhân viên kỹ thuật Khải Hoàn trình bày, có hệ thống xử lý nước thải công suất 7 m3/ngày đêm, khi cao điểm bị quá tải 3 m3 nên mới xả thẳng ra sông. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế Khải Hoàn xả thải bình quân 10 m3/giờ, tức là hầu hết nước thải không qua xử lý được xả ra sông.
Trên đảo Phú Quốc, từ cửa sông Dương Đông xuôi phía Nam mấy cây số đến Bãi Trường là bãi cát đẹp và dài nhất đảo. Chiều 4/5 trên Fanpage Phu Quoc expats & locals @ Social society đăng clip dài 12 giây của bà Yeji Lee (Seoul, Hàn Quốc) kèm dòng chữ (tạm dịch): “Ngay lúc này tại Bãi Trường. Tôi đến đây vì một bờ biển sạch sẽ nhưng bây giờ đành kết thúc kỳ nghỉ vì dòng nước thải công nghiệp thế này”.
Đến chiều 6/5, đã có gần 700 lượt chia sẻ kèm các bình luận thất vọng. Một người viết: “Đây là nơi chúng ta từng lưu trú 4 ngày. Sao họ lại cho các công ty phá hủy một nơi đẹp đẽ như vậy?”.
Một du khách đang ở Phú Quốc tên là Valentin Zubkov cho biết, một ống thải dòng nước đen nằm sau siêu thị K-mark và nhà hàng của Việt Nam. Ông đăng bức ảnh chụp miệng cống ngày 5/5 kèm dòng chữ (tạm dịch): “Đây là một cái ống khổng lồ… Thật là điên rồ khi chủ sở hữu thứ rác rưởi này làm với môi trường, cũng không có bất kỳ kiểm soát nào của chính quyền. Phá hủy thiên đường rất đơn giản, chúng ta chỉ cần vài người ngu ngốc”.
Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Kiên Giang cử trinh sát mật phục, vừa bắt quả tang 3 cơ sở làm nước mắm xả nước thải không xử lý ra sông: Khải Hoàn, Hồng Việt 1, Thành Khoa. Cơ sở Khải Hoàn lớn nhất, bị phát hiện đang thải nước ô nhiễm trực tiếp ra sông, làm cả khúc sông đen kịt, hôi thối..