Việc Bộ chuẩn bị con người và trang bị móc móc hiện đại như vậy để đối phó, đề phòng với ai? Với chính những con người đang công tác trong ngành giáo dục.
Ngày 25-27/6 tới đây sẽ diễn ra kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 nhưng những dư âm về tiêu cực của kỳ thi năm 2018 vẫn còn khá đậm nét trong lòng mọi người.
Nhiều lãnh đạo Bộ, lãnh đạo địa phương 3 tỉnh để xảy ra tiêu cực năm 2018 cũng đã hứa là sẽ tổ chức một kỳ thi nghiêm túc.
Công tác chuẩn bị về nhân lực của Bộ cũng như các địa phương đang được gấp rút hoàn thiện để đảm bảo tốt nhất cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Song, liệu kỳ thi tới đây có còn xảy ra những tiêu cực nữa hay không khi mà những sự việc của năm 2018 vẫn chưa được giải quyết một cách dứt điểm?
Đến thời điểm này, có lẽ sức nóng về vụ việc tiêu cực thi cử trong năm 2018 không còn như thời điểm 2 tháng trước đây nữa. Chính vì thế, việc công bố những thí sinh gian lận điểm thi đã không xảy ra dù dư luận xã hội rất muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc làm này.
Đương nhiên, những thí sinh bị các trường đại học buộc thôi học sẽ được tiếp tục thi vào tháng 6 tới đây. Điều may mắn nhất của các thí sinh này là không bị công bố danh sách trước bàn dân thiên hạ
Cha mẹ các em vẫn đang đương chức và cũng chưa bị xử lý gì cả vì chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.
Điều "may mắn" nữa là các Trưởng, Phó ban chỉ đạo kỳ thi quốc gia của 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình năm nay gần như vẫn là những con người cũ…
Lãnh đạo địa phương... hứa
Ngày 14/5 vừa qua , Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia với 63 tỉnh thành trong cả nước.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các tỉnh trong đó có 3 điểm nóng là Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình báo cáo tình hình chuẩn bị tại địa phương.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã cho biết sau khi có thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thi, tỉnh đã thực hiện rất nghiêm túc, đầy đủ các quy trình và hứa quyết tâm thực hiện đúng quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia.
Tại điểm cầu Hà Giang, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, cũng cho biết đã thành lập ban chỉ đạo thi và làm việc với các trường đại học được Bộ phân công phối hợp tổ chức thi.
Đồng thời ông Qúy cũng đã hứa: “Với bài học năm 2018, Hà Giang biết tiếp tục làm thế nào để tổ chức kỳ thi hiệu quả. Những tồn tại của năm 2018 sẽ không còn nữa”.
Tại Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau hội nghị này tỉnh sẽ họp ban chỉ đạo, quát triệt nội dung sâu sát hơn. Ông Đắc đề nghị Cục khảo thí của Bộ có phương án ủng hộ Hòa Bình về chuyên môn, kỹ thuật tốt nhất.
Việc lãnh đạo địa phương và lãnh đạo Sở Giáo dục hứa thì chúng ta cũng tạm yên tâm nhưng hứa thì năm nào trước khi thi chẳng hứa. Vấn đề là khi tổ chức sẽ được thực hiện như thế nào mà thôi.
Bởi, nhìn đi, nhìn lại thì vẫn là những lãnh đạo của năm 2018, vẫn là những con người cũ thì liệu cách chỉ đạo xử lý, điều hành ở Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình có mới được hay không?
Khi lãnh đạo Bộ Giáo dục phải… răn đe
Ngày 17/5/2019, lãnh đạo Bộ Giáo dục đã có buổi trao đổi thông tin một số nội dung quan trọng trong lĩnh vực giáo dục với các cơ quan thông tấn, báo chí ở khu vực phía Nam ở tỉnh Bình Thuận.
Tại buổi trao đổi này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đã cho biết: “ Phụ huynh, thí sinh đừng nghĩ là sẽ có ý tưởng gian lận. Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc chắn sẽ không bao giờ dung túng cho bất kỳ hành vi gian lận nào”.
Ngày 19/5, trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều chia sẻ trong việc chuẩn bị kỳ thi của năm 2019.
Bộ trưởng Nhạ nói: “Bộ giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ;
sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm.
Tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.
Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do Sở Giáo dục chủ trì, quy định chặt chẽ hơn, chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra”.
Khi ngành giáo dục thất bại về niềm tin
Những ngày gần đây, điều mà dư luận thấy là một số lãnh đạo ngành giáo dục đang nói đến việc chuẩn bị con người, trang bị những phương tiện tối tân nhất để chống gian lận.
Nào là chuẩn bị về thanh tra cho kỳ thi, trang bị camera 24/24 giờ, trang bị phần mềm tối tân nhất để phục vụ chấm thi…
Điều này có nghĩa là Bộ đang chuẩn bị những gì tốt nhất có thể để tránh lặp lại tiêu cực như kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Nhưng, Bộ chuẩn bị con người và trang bị móc móc hiện đại như vậy để đối phó, đề phòng với ai? Với chính những con người đang công tác trong ngành giáo dục.
Một khi mà ngay cả những "người của mình" mà cũng phải đề phòng và không tin tưởng vào nhau thì thất bại đã hiện hữu từ khi chưa bắt đầu vào kỳ thi rồi.
Phụ huynh, thí sinh, xã hội luôn tin tưởng vào một kỳ thi công bằng, nghiêm túc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và tổ chức. Vấn đề còn lại là Bộ có chống được chính những con người của mình sẽ sử dụng trong kỳ thi Trung học phổ thông tới đây hay không mà thôi.
Nỗi buồn thi cử, nỗi buồn về đạo đức con người đang bị thách thức nghiêm trọng khi “người trong nhà” mà cũng không thể tin tưởng, phải đề phòng nhau!