Đến kỳ thứ 2 cho ý kiến về dự án luật Phòng chống tác hại rượu, bia, nhưng các vị đại biểu Quốc hội vẫn tranh luận vô cùng gay gắt bởi quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.
Trong các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, có thể thấy rõ 2 luồng quan điểm: một luồng cho rằng dự thảo luật còn quá nhẹ, cần siết chặt hơn nữa quy định hạn chế tiếp cận của rượu bia; luồng khác lại cho rằng chế tài quá nặng, đưa công nghiệp rượu bia lên “đoạn đầu đài”.
Doanh nghiệp bớt quảng cáo, tài trợ đi thì không thiếu tiền đâu
Trong luồng quan điểm cho rằng phải chế tài mạnh hơn, đại biểu Nguyễn Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho rằng “nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm”.
“Tôi nghĩ mình không cần phải dẫn chứng cụ thể từng vụ việc thương tâm, từng câu chuyện nhức nhối từ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình hay xâm hại tình dục do tác hại rượu bia đã gây ra. Bởi lẽ, từ trẻ em ở độ tuổi bắt đầu có sự nhận thức cho đến người cao tuổi, đều hiểu rất rõ một điều đó là: chỉ có thể giảm tác hại của rượu bia thông qua việc giảm sử dụng nó”, đại biểu Hiền nhấn mạnh.
Theo đại biểu Hiền, với quy định về quảng cáo, cần hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn và kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.
Bên cạnh đó, đại biểu này cho rằng không nên bỏ quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet, vì nội dung này thực tế đang được quy định tại Nghị định số 105/2017. Đây là một biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia cần được xem xét kế thừa. Đại biểu Hiền còn đề nghị bổ sung cấm bán cả rượu, bia trên internet.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) đề nghị có lộ trình bắt buộc có nhãn phụ hoặc có logo cảnh báo ngay trên sản phẩm rượu bia. Theo bà Lan, dự thảo trước đây đã quy định là khuyến khích có những nhãn phụ, logo kể trên, nhưng đến dự thảo lần này đã bãi bỏ luôn với lý do sợ tốn kém cho doanh nghiệp, chi phí sản xuất tăng cao.
"Hiện giờ các doanh nghiệp bớt quảng cáo, bớt tiếp thị, bớt tài trợ thì không sợ thiếu tiền đâu. Thứ hai, nếu chi phí tăng cao, giá rượu bia tăng cao, khó tiếp cận hơn thì đây là mục tiêu của dự thảo luật, tại sao chúng ta lại sợ?", bà Lan nêu.
Sao lại đưa lên "đoạn đầu đài" văn hóa của nhân loại?
Giơ biển tranh luận sau rất nhiều ý kiến về tăng cường các quy định hạn chế tiếp cận, cũng như quảng cáo rượu bia, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, cách tiếp cận dự án luật sai và dù báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng theo hướng cực đoan.
Ông Quốc dẫn câu thơ của Bác Hồ “Trong tù không rượu cũng không hoa” và bình luận: chỉ khi bị tước đoạt tự do mới không được uống rượu.
“Bác cũng có rất nhiều bài thơ hay về rượu, nhận tin thắng trận cũng nâng vài ly uống mừng. Nó là văn hóa của cả nhân loại rồi. Tại sao ta lại đưa nó lên đoạn đầu đài thế này?”, đại biểu Quốc đặt vấn đề.
Tán thành việc phải ban hành luật song ông Quốc cho rằng, không nên coi câu chuyện sức khỏe hàng đầu mà nên coi năng lực quản lý hàng đầu.
“Vấn đề của ta là né tránh cái yếu nhất của ta là năng lực quản lý, năng lực kiểm soát, kiểm soát của nhà nước và mỗi con người tự kiểm soát mình”, ông Quốc nói.
Đại biểu tỉnh Đồng Nai cũng nêu lại câu hỏi mà ông cho rằng Bộ trưởng Bộ Y tế chưa trả lời: Việt Nam là nước xếp thứ 3 châu Á về tiêu thụ rượu bia, vậy thứ nhất và thứ 2 là nước nào, và họ có phải là những nước lạc hậu không? Và liệu khi luật được ban hành, Bộ Y tế có sản xuất rượu bổ nữa không, và các sản phẩm này có bị gắn hình ảnh tai nạn giao thông hay hậu quả do rượu hay không?
“Tôi mong chúng ta sẽ có sự tỉnh táo để có cách làm luật đúng đắn, hiệu quả”, đại biểu Quốc bày tỏ.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cũng giơ biển tranh luận với nhiều đại biểu phát biểu trước đó: “Có cảm giác các đại biểu coi ngành sản xuất rượu bianhư tội đồ. Tôi không phải trong ngành nhưng tôi thấy có gì đó không công bằng”, ông Xuyền nói, và cho biết ngành sản xuất này đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn con người, đóng góp hàng chục ngàn tỉ mỗi năm vào ngân sách, nên cần có nhìn nhận đúng đắn hơn.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Đại biểu Bình Phước) không đồng tình với phát biểu nêu trên của ông Xuyền vì cho rằng, dự án luật làm ra để hạn chế tác hại của rượu bia chứ không phải là các doanh nghiệp.
“Việc tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách là việc tốt, nhưng không thể vì việc ấy mà bỏ qua tác hại của rượu bia, ảnh hưởng đến an toàn xã hội”, ông Chung bày tỏ quan điểm.