Nhiều năm trong ngành nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết ông có tìm hiểu về loài tôm càng đỏ này. Tuy nhiên loài ngoại lai này không có giá trị kinh tế cao, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp.
Theo ông Nhiệm, trước đây, tôm càng đỏ được một công ty nuôi ở Đồng Tháp nhưng sau đó, các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương đã xử lý tiêu hủy hết số tôm bị cấm nuôi, cấm nhập khẩu. Từ đó đến nay, trong tự nhiên cũng như những vùng nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL không còn xuất hiện loại tôm này.
Ông Nhiệm cho biết, bề ngoài loài tôm này nhìn giống như tôm hùm nhưng chỉ to bằng hai ngón tay, đặc biệt có hai càng to như càng cua. Chúng có hai càng to dùng để đào hang đẻ trứng, tranh giành thức ăn, đấu tranh sinh tồn.
Nếu để loại tôm này thoát ra ngoài môi trường tự nhiên, chúng có thể tấn công các loài tôm bản địa. Nếu nuôi đại trà loài thủy sản này sẽ là mối họa cho các công trình thủy lợi, công trình công cộng và có khả năng chúng sẽ tiêu diệt loài tôm bản địa từ việc tranh giành thức ăn để đấu tranh sinh tồn.
“Hiện Việt Nam đang có nhiều loại tôm nuôi trồng có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ, tôm càng xanh, tôm sú, tôm hùm… Nhất là tôm thẻ, tôm sú đang là các mặt hàng chủ lực của ngành tôm Việt Nam, xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới ăn ngon, thịt nhiều ngọt hơn loại tôm càng đỏ. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát các loại thủy sản ngoại lai, vì nếu để nó phát tán ra tự nhiên thì rất nguy hiểm cho môi trường, cho các sản phẩm nông nghiệp khác”, ông Nhiệm chia sẻ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôm hùm đỏ Trung Quốc là loài thủy sinh không có tên trong danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Viêt Nam và xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 Nguyễn Quang Huy cho biết: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã từng tiến hành nhập tôm càng đỏ từ Trung Quốc về nuôi thử nghiệm ở phạm vi hẹp. Trong phạm vi điều tra của đề tài thì thấy tôm càng đỏ có khả năng sinh trưởng và phát triển tại miền Bắc nước ta do chúng là loài thủy sinh vật dễ nuôi, ít dịch bệnh.
Tuy nhiên giá trị kinh tế không cao, tỉ lệ thịt so với khối lượng cơ thể thấp, cỡ thương phẩm nhỏ (30-50 g). Loại tôm này có nhiều đặc tính của sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại như: ăn tạp, phàm ăn, cạnh tranh thức ăn, có thể chiếm nơi sống của loài bản địa
Đặc biệt chúng có khả năng gây hại sinh vật bản địa, đào hang hốc (sâu đến 2 m) và có thể gây hại cho các công trình thủy sản, đê điều nếu thoát ra ngoài…
“Với kết quả trên, Viện đã khuyến cáo không nên phát triển nuôi đối tượng này ngay sau khi kết thúc nghiên cứu”, ông Huy nói.