Mỹ sẽ không "dán nhãn" Việt Nam là một quốc gia thao túng tỷ giá đồng nội tệ, trên cơ sở dữ liệu mới mà Việt Nam cung cấp cho Bộ Tài chính Mỹ - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.
Quyết định này được xem là một thắng lợi đối với Việt Nam, một trong số những quốc gia đối mặt nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump hạ thấp ngưỡng tiêu chí thao túng tỷ giá đối với các đối tác thương mại.
Bản tin của Bloomberg cho biết, trong mấy tuần gần đây, Việt Nam đã cung cấp dữ liệu bổ sung để chứng minh cho Bộ Tài chính thấy rằng Việt Nam không cố ý đẩy tỷ giá VND xuống thấp. Hôm thứ Năm tuần trước, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại Washington. Hiện chưa rõ phía Việt Nam đã cung cấp cho phía Mỹ những dữ liệu gì.
Sau cuộc gặp, ông Mnuchin đăng lên mạng xã hội Twitter một bức ảnh chụp cùng ông Phạm Bình Minh, đi kèm dòng trạng thái (tweet) cho biết hai ông đã có cuộc trao đổi về quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Việt.
Productive meeting with Vietnamese Deputy Prime Minister and Minister of Foreign Affairs Pham Binh Minh. We discussed the importance of economic and trade relations between the U.S. and Vietnam. pic.twitter.com/hnnmRqjcDl
— Steven Mnuchin (@stevenmnuchin1) 23 tháng 5, 2019
6 tháng một lần, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo tỷ giá các đồng tiền nước ngoài. Trong báo cáo mới đây nhất, số quốc gia bị đưa vào diện tình nghi thao túng tỷ giá đã tăng lên 20 nước từ con số 12 trước đó. Sự gia tăng số lượng này diễn ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ thay đổi 1 trong 3 tiêu chí xác định xem một đối tác thương mại có thao túng tiền tệ hay không.
Đó là tiêu chí về thặng dư tài khoản vãng lai, tức chênh lệch giữa số tiền mà một quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu. Trước đây, Mỹ đặt ra tiêu chí này ở ngưỡng 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong báo cáo hiện tại, ngưỡng này đã bị giảm về 2%.
Lẽ ra, bản báo cáo đầu tiên của năm nay phải được trình lên Quốc hội Mỹ vào tháng 4. Tuy nhiên, báo cáo đã bị hoãn lại và chưa có thời gian công bố cụ thể.
Chính sách tiền tệ đã nổi lên thành công cụ mới nhất trong nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm viết lại các nguyên tắc thương mại toàn cầu mà ông cho là ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Chính sách tỷ giá cũng đã trở thành một yếu tố quan trọng trong các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Mexico, Canada, Hàn Quốc, và cả Trung Quốc nếu Mỹ-Trung đi đến được một thỏa thuận.
Hôm thứ Năm tuần trước, chính quyền ông Trump tăng cường tập trung và vấn đề tỷ giá, đề xuất áp thuế quan lên hàng hóa từ những quốc gia bị Mỹ kết luận là thao túng tỷ giá. Một động thái như vậy sẽ khiến các công ty ở Mỹ phải trả thuế quan chống trợ cấp đối với những sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia mà Bộ Tài chính Mỹ cho là cố tình phá giá đồng tiền để giành lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới bị đưa vào danh sách.