Không thể hình dung về một quân đội hiện đại nếu không có trong trang bị các xe ô tô - thực hiện một loạt nhiệm vụ như phương tiện chiến đấu (vận chuyển vũ khí, trang bị, đạn dược, sơ tán người bị thương khỏi chiến trường) hay vận chuyển hậu cần. Xe quân sự trở thành trang bị chính trong các đơn vị cơ động.
Trong quân đội Nga, các đơn vị ô tô được thành lập vào ngày 29 tháng 5 năm 1910. Vào ngày đó, đại đội ô tô huấn luyện đầu tiên bắt đầu hoạt động tại thủ đô St. Petersburg của Đế quốc Nga, trở thành hình mẫu của toàn bộ lực lượng ô tô trong tương lai và hệ thống hỗ trợ kỹ thuật trong lực lượng vũ trang nhà nước Nga (bất kể lực lượng chính trị nào nắm quyền). Chỉ huy đại đội là Đại úy Piotr Secretov. Năm 1915, đại đội xe ô tô trở thành Trường ô tô quân sự và đến năm 1917, Thiếu tướng Secretov đã trở thành Tư lệnh các đơn vị ô tô trong Quân đội Hoàng gia Nga.
Cho đến tận bây giờ, người ta thường cho rằng quân đội Nga trước cách mạng 100% trên lưng ngựa. Nhưng không phải là như vậy. Vào thời điểm nước Nga cách mạng rút ra khỏi Thế chiến thứ nhất, đã có 22 đại đội xe ô tô trong quân đội, sử dụng cả thiết bị nhập khẩu và nội địa (ô tô, xe tải thương hiệu Russo-Balt).
Trong những năm nội chiến 1918-1922, cả hai phía của cuộc xung đột - "bạch vệ" và "hồng quân" đều sử dụng xe ô tô. Hơn nữa, quân nhân cả hai phía đã trải qua những khó khăn đáng kể trong việc cung cấp phụ tùng và đặc biệt là xăng dầu. Nhưng dầu sao đi chăng nữa, vào năm 1920, đội xe của Hồng quân đã có đến 7500 xe (chủ yếu do nước ngoài sản xuất).
Vào cuối những năm 1920, bắt đầu hình thành các tiểu đoàn ô tô độc lập cấp vùng, được bổ sung hoàn toàn bằng những chiếc xe nội địa mới sản xuất. Vào giữa những năm 1930, đã có 40 nghìn chiếc xe trong quân đội, và các nhà lý luận quân sự Liên Xô bắt đầu coi đó là phương tiện cơ giới chính của bộ binh, theo “sát gót” xe tăng trong các chiến dịch tấn công chọc sâu. Sự xuất hiện các phương tiện cơ giới trong quân đội tiếp tục với tốc độ nhanh, và vào thời điểm nước Đức Hitler tấn công Liên Xô (ngày 22 tháng 6 năm 1941), tổng số đầu xe của Hồng quân đã vượt quá 272 nghìn xe các loại. Chủ yếu là xe nhỏ GAZ-M1, xe tải 1,5 tấn GAZ-AA và xe tải 3 tấn ZiS-5. Sự “đơn điệu” về loại xe tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp phụ tùng, nhiên liệu và dầu nhờn, nhưng tình hình khá tồi tệ đối với xe tải nặng và xe chạy mọi địa hình. Hoàn toàn không có xe bọc thép chở quân.
— Мотор (@MotorRu) April 28, 2015
Trong những tháng đầu tiên của chiến tranh, các đơn vị vận tải ô tô đã chịu tổn thất thảm khốc, chỉ có thể được bổ sung một phần bằng cách huy động các phương tiện dân sự và sản xuất ô tô mới. Đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho quân đội các phương tiện vận chuyển bộ binh và xe cơ giới trang bị vũ khí là chương trình Lend-Lease nhận xe tải dẫn động toàn phần (6x6), xe jeep và xe bọc thép bánh xích từ Hoa Kỳ. Sau khi Thế chiến II kết thúc ở châu Âu (vào mùa hè năm 1945), có 664 nghìn xe trong Hồng quân, một phần ba trong số đó là xe Mỹ và khoảng 10% là xe chiến lợi phẩm (Đức, Séc và thậm chí là Pháp).
Kinh nghiệm của Chiến tranh thế giới thứ hai đã chứng minh: xe quân đội phải có kết cấu dẫn động toàn phần. Ngay từ cuối thập kỷ 1940, các loại xe nội địa chạy mọi địa hình mới đã được chuyển giao Quân đội Liên Xô: xe jeep GAZ-69, xe jeep lội nước GAZ-46, xe tải GAZ-63 (4x4), ZiS-151 (6x6) (sau vài năm, phiên bản xe không thành công này đã được thay thế bằng ZIL-157). Trong những năm 1960-70, bắt đầu sản xuất cho quân đội những mẫu xe, đã trở thành huyền thoại không chỉ trong quân đội Liên Xô: xe vận tải lội nước tiền tuyến loại nhỏ LuAz-967, xe jeep UAZ-469 và xe microbus chạy mọi địa hình UAZ-452 (xe cứu thương quân đội), xe tải GAZ–66 (4x4), ZIL-131, "Ural-375", KrAZ-255 (cả ba loại này - 6x6), cũng như các xe kết cấu 8x8: đầu kéo MAZ-537 và khung gầm cho các bệ phóng tên lửa MAZ-543. Đầu những năm 1980, xe tải diesel Ural-4320 và xe tải KamAZ-4320 dẫn động bốn bánh bắt đầu được trang bị. Và các nhiệm vụ hậu cần khác nhau cũng đã được các xe tải GAZ, ZIL, KAMAZ thông thường, xe buýt PAZ đảm nhiệm. Các tướng lĩnh thì sử dụng xe Volga.
— Авто Мэн (@ABTO_MEH) June 28, 2015
Hiện tại tổng số xe trong quân đội Nga là hơn 410 nghìn chiếc. Đặc biệt, Tổng cục xe hơi thiết giáp của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga chịu trách nhiệm cung cấp xe ô tô cho Lực lượng Vũ trang, vận hành và phát triển công nghệ ô tô quân sự. Tại Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm xe cơ giới của Bộ Quốc phòng Nga đang tiến hành các công việc liên quan đến các mẫu phương tiện hiện đại. Ở ngoại ô Moskva có Trung tâm đào tạo huấn luyện lái xe Bộ Quốc phòng.
— Вежливые люди (@vezhlivo) June 5, 2018
Quân đội tiếp tục nhận được các thiết bị ô tô mới nhất: xe jeep Tiger hạng nặng, xe bọc thép Typhoon-K và Typhoon-U, chú ý đến xe vận tải chạy mọi địa hình Ural-NEXT. Thay thế cho các xe tải KrAZ của Ukraina sẽ là đầu kéo BAZ - “Voshchina”. Khung gầm 16 bánh KamAZ dành cho các bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng đã được phát triển, sẽ bổ sung (hoặc thay thế) khung gầm do Belarut sản xuất. Các lực lượng đặc biệt được trang bị phiên bản bán tải hạng nhẹ LADA 4x4 và xe quân đội nhỏ chạy mọi địa hình. Quân đội mua các loại phương tiện khác nhau với một điều kiện: xe ô tô cho các Lực lượng Vũ trang phải được sản xuất trên lãnh thổ Liên bang Nga và hoàn toàn nội địa hóa.