Hãng tin chuyên về kinh tế uy tín hàng đầu thế giới Bloomberg ngày 28-5 dẫn dữ liệu từ Cục Thống kê Mỹ cho biết, hàng nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng 40,2% trong 3 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã sụt giảm 13,9% vì căng thẳng thương mại leo thang.
Theo Cục Thống kê Mỹ, Trung Quốc là nước đứng đầu về giá trị hàng xuất khẩu vào Mỹ năm 2018 với khoảng 540 tỷ USD, song với tốc độ giảm sút 13,9% trong 3 tháng đầu năm nay thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm xuống còn 464,5 tỷ USD trong năm 2019 này. Tiếp theo, đứng sau Trung Quốc, trong top 12 các nước xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ năm 2018 vừa qua là Mexico với 345,5 tỷ USD, Canada 318,5 tỷ USD, Nhật Bản 142,5 tỷ USD, Đức 126 tỷ USD, Hàn Quốc 74,2 tỷ USD, Anh 60,8 tỷ USD, Ireland 57,4 tỷ USD, Italy 54,7 tỷ USD, Ấn Độ 54,4 tỷ USD, Pháp 52,5 tỷ USD và Việt Nam đứng thứ 12 với 49,2 tỷ USD.
Bloomberg dự đoán, nếu giữ vững đà tăng trưởng này trong cả năm, Việt Nam có thể bỏ xa các nước xếp trên là Italy, Pháp, Anh và Ấn Độ để vươn lên vị trí thứ 7 trong nhóm những quốc gia xuất khẩu hàng đầu tới Mỹ trong năm 2019. Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam có thể đạt 69 tỷ USD.
Cùng với một số nước ASEAN khác như Thái Lan và Malaysia, Việt Nam có những nền tảng để hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các dây chuyền cung ứng toàn cầu mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc góp phần tạo ra. Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 (AMRO) năm 2019 cho biết, cả 3 nước Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều được hưởng lợi trong ngành thiết bị công nghệ thông tin và sản xuất điện tử.
Sự kết hợp của môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng tăng chi tiêu công khiến 3 nước thành viên ASEAN này sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mà xung đột thương mại dự kiến mang lại và thoát khỏi tình trạng suy giảm xuất khẩu đang diễn ra trong toàn khu vực. Đánh giá về Việt Nam, hãng Bloomberg cho rằng động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu xuất phát từ nguồn nhân công giá rẻ, môi trường kinh doanh dần được cải thiện đi kèm với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.
Nhìn ở góc độ khác, trang EETimes Asia vừa có bài viết đánh giá rằng, những cơ hội mới đang mở ra với Việt Nam không hẳn chỉ là kết quả của căng thẳng thương mại Mỹ Trung Quốc, mà Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm công nghệ của Đông Nam Á dựa trên ngành công nghệ đang phát triển nhanh chóng và lực lượng lao động trẻ, có học thức. Dân số trẻ và đầy tham vọng của Việt Nam là một trong những điểm hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia muốn mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng và có sức cạnh tranh còn bởi Việt Nam hiện đang được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất ở châu Á. Việt Nam trong những năm qua đã tham gia nhiều hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định thương mại EU - Việt Nam (EVFTA), đồng thời thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để trở thành một nguồn xuất khẩu toàn cầu.
Việt Nam vì thế đang nổi lên là điểm đến đầu tư và sản xuất, kinh doanh có chính trị ổn định, lực lượng nhân công rẻ, triển vọng kinh tế khá sáng sủa…. Tất cả những điều này là nhân tố thu hút dòng đầu tư đang dịch chuyển ở khu vực và thế giới trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ Trung Quốc.