Sáng nay (4/6), chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm về vấn đề tín dụng đen, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong công tác đấu tranh phòng chống tín dụng đen.
Tuy nhiên, theo báo cáo, 5 tháng đầu năm 2019, mới xử lý được 933 băng nhóm của loại tội phạm này, giảm không nhiều so với năm 2018. Điều đáng quan tâm là trong 2.500 vụ liên quan đến tín dụng đen của năm 2018, chỉ có 34 vụ bị xử vì cho vay nặng lãi. Đại biểu đặt câu hỏi đâu là giải pháp giải quyết dứt điểm loại tội phạm này?
Về nội dung này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, băng nhóm tín dụng đen là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm phức tạp khác. Bản chất của tín dụng đen là quan hệ về dân sự, quan hệ về kinh tế, nhưng có giới hạn là vấn đề kinh tế, vượt quá giới hạn là vấn đề hình sự. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen hiện nay.
Bộ Công an cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 phân công phân trách nhiệm cụ thể cho các ngành giải quyết về tín dụng đen, góp phần làm giảm phức tạp của tín dụng đen này.
“Về mặt pháp luật, Bộ Công an cũng đã đề xuất có hướng dẫn giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen, vi phạm pháp luật của hoạt động này, ranh giới giữa hành chính, dân sự, hình sự có sự liên kết, khiến nhiều đối tượng lợi dụng một số quy định luật pháp liên quan”- Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết.
Thời gian tới Bộ Công an cũng sẽ phối hợp các Ngân hàng đa dạng hóa hình thức cho vay, tạo cho người dân tiếp cận vốn lành mạnh, để không có cơ hội cho tín dụng đen có đất hoạt động.
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về tình trạng “nhiều gia đình bất an lo lắng trước nguy cơ tiềm ẩn con cái, thành viên trong gia đình dính phải tình trạng nợ nần do ham mê đánh bạc, cá cược online từ đó vay tín dụng đen để sử dụng vào mục đích không chính đáng của bản thân khi cần lãi suất cao vẫn chấp nhận”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, hiện nay tội phạm đã lợi dụng quan hệ dân sự- kinh tế giữa người vay và người đi vay để tiến hành hoạt động tội phạm.
Theo Bộ trường, người đi vay có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm. Bởi nếu sản xuất kinh doanh bình thường thì rất khó có điều kiện, đủ điều kiện kinh doanh trả lãi cao lên tới 300%.
“Người đi vay cũng có mục tiêu để vi phạm pháp luật không lành mạnh như: cờ bạc, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại, hoặc lừa đảo. Những người cho vay đằng sau là những tổ chức tội phạm, đằng sau bản thân cũng là đối tượng hình sự, nếu không thì cũng nuôi, chăm sóc đối tượng hình sự để phục vụ cho tín dụng đen của mình. Tín dụng đen là giới hạn phạm vi của tội phạm hình sự. Từ quan hệ dân sự, diễn biến trở thành quan hệ hình sự. Từ người vay và cho vay đều có dấu hiệu của tội phạm”- Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết.