Chiều 4/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đặt câu hỏi về số lượng nhà chung cư cũ còn rất lớn, nhiều nhất ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, có nhiều khu xuống cấp tới mức độ D - cực kỳ nguy hiểm mà vẫn phải đang chờ vì thiếu kinh phí cải tạo và giải pháp của Bộ trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện cả nước có hơn 4.400 chung cư và pháp luật quy định đầy đủ nhưng vẫn còn xảy ra tranh chấp ở một số chung cư. Bộ trưởng liệt kê các tranh chấp như chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, bất đồng về đóng góp, kinh phí quản lý vận hành, xác định quản lý chung riêng, thu chi tài chính của ban quản lý, không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý vận hành, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chất lượng công trình, chủ đầu tư không xây dựng công trình hạ tầng trong khu vực dự án trong quết định được duyệt...
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân là một số quy định pháp luật chưa đầy đủ về thời điểm nộp kinh phí bảo trì, quy định chuyển tiếp hợp đồng mua nhà, quy định về hành vi vi phạm, chế tài chưa kịp thời, chưa có quy định về kinh phí bảo trì sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, chú trọng lợi nhuận nên không mở tài khoản riêng để quản lý, trì hoãn bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Một số người mua nhà không xem xét kỹ khoản trong hợp đồng, trong đó chủ đầu tư đưa ra khoản có lợi cho mình. Một số thành viên Ban quản trị ít kinh nghiệm chuyên môn, vai trò quản lý địa phương chưa tốt.
Để kiểm soát tốt hơn, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi quy định về thu kinh phí bảo trì, tư cách pháp nhân của ban quản trị. Hiện đã có mô hình Ban quản trị nhà chung cư nhưng sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất mô hình chủ đầu tư tự quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư; mô hình giao đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp.
"Như vậy mô hình quản lý đa dạng, linh hoạt hơn. Chọn mô hình nào là do cộng đồng tự chọn. Dù chủ đầu tư hay đơn vị thực hiện đều phải có giám sát thông qua ban quản trị của toà chung cư đó", Bộ trưởng cho hay.
Sẽ quy định rõ đất dành khu du lịch tâm linh và thương mại dịch vụ
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, việc hình thành các khu du lịch tâm linh và thương mại dịch vụ chiếm hàng nghìn hecta đất. Việc này có cần thiết hay không, đề nghị Bộ trưởng lý giải vấn đề này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, loại hình này đã được điều chỉnh tại Luật Đất đai, Luật Tôn giáo. Luật Bảo vệ môi trường... Hiện giấy phép xây dựng đã quy định cụ thể việc cải tạo, xây dựng các công trình loại này. Ngoài ra, xây dựng các khu du lịch tâm linh còn chịu sự quản lý của cơ quan tôn giáo địa phương.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận thừa nhận, các quy định pháp luật đã có nhưng chưa nêu rõ nằm trong quy hoạch đô thị hay du lịch. Vì thế, việc vận dụng ở địa phương chưa thống nhất, tuỳ tiện nên Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, quy định rõ hơn về các dự án dạng này. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để phân biệt rõ đất dành cho tâm linh, đất cho du lịch nhằm đảm bảo chặt chẽ sử dụng đất.
Trả lời đại biểu về việc người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài, Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận, đây là vấn đề có thực. Tuy nhiên, hiện chưa có điều kiện để thống kê số liệu cụ thể.
"Nội dung này Bộ Công an đã có đánh giá, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Công an xử lý vấn đề này. Đây là việc rất khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát và hạn chế tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài", Bộ trưởng Hồng Hà cho hay./.