Sáng nay, 7-6, Quốc hội thảo luận về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Trước đó, ở đầu kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình Tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước 98.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho biết, hiện Việt Nam đã gia nhập 5 Công ước cơ bản của ILO, còn 3 Công ước chưa tham gia là Công ước số 87, Công ước số 98 và Công ước 105.
Vì vậy, ĐB đồng tình với sự gia nhập Công ước số 98 để Công đoàn có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả.
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra 4 lý do để chứng minh chủ trương Việt Nam gia nhập Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể của ILO là rất cần thiết, thậm chí chúng ta phải gia nhập sớm.
Có nhiều băn khoăn, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích, bên cạnh những mặt tích cực thì việc gia nhập Công ước cũng bị ảnh hưởng bởi các thách thức trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển, kinh tế khó khăn, đời sống và việc làm của người lao động còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Đặc biệt, vị ĐBQH đoàn Trà Vinh cho rằng, với những cam kết về thương lượng tập thể và mở rộng phạm vi đình công trong CPTPP, Công ước số 98, dự báo tình hình quan hệ lao động, đình công sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, các xung đột trong và ngoài phạm vi doanh nghiệp cũng sẽ diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Giải đáp các băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung lý giải, với trách nhiệm là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, chúng ta có trách nhiệm cam kết thực hiện các nội dung liên quan đến quyền công dân, quyền con người cũng như tham gia các tổ chức liên quan.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong quá trình chuẩn bị để tiến tới trình với Quốc hội về việc phê chuẩn gia nhập công ước số 98, Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp và các cơ quan của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta, rà soát những điều kiện tiêu chuẩn liên quan...
"Qua đó thấy rằng, đến thời điểm này việc chúng ta tham gia phê chuẩn là cần thiết, có thể khẳng định là đã chín muồi vấn đề này. Cho phép chúng ta phê chuẩn các điều của Công ước số 98, các yếu tố điều kiện để đảm bảo Việt Nam hoàn toàn thực thi và có hiệu quả" - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói.
Với băn khoăn của một số đại biểu về chương trình hành động, kế hoạch hoạt động sau khi gia nhập Công ước số 98, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết:
"Hiện nay, chúng tôi đã thiết kế, kèm theo bản hồ sơ đã có một kế hoạch hoạt động, ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn thì kế hoạch hoạt động kèm theo là 9 nội dung cho đến khi chúng ta gia nhập”.