Tai nạn hàng không luôn là chủ đề chính trên báo chí, nhưng may thay hiếm khi xảy ra. Hiện hữu một mối đe dọa khác trong thế giới hàng không dân dụng, dù không mấy người biết nhưng lại dẫn đến thương vong và sự cố máy bay nghiêm trọng.
Đó là những cú va chạm với chim khi máy bay lấy độ cao hoặc hạ xuống thấp. Và việc người ta ít nói tới những sự vụ này không hề làm cho vấn đề trở nên kém tính thời sự cấp thiết. Ngược lại, sự gia tăng cường độ giao thông hàng không và thực tế thay đổi hành trình của một số loài chim đã dẫn đến lan rộng hiện tượng này. Để giải quyết vấn đề, nếu chỉ trông vào biện pháp nuôi một vài “nhân viên” đại bàng phục vụ các sân bay và sự cảnh giác của chim ưng bay phía trên đường băng khiến những đám chim khác sợ hãi, thì là quá ít.
Có một giải pháp được tung ra tại Start-Up Village thường niên ở Skolkovo. Công ty khởi nghiệp Italy từ Rimini đã trình làng BCMS - VENTUR, hệ thống đầu tiên trên thế giới cho phép ngăn ngừa những vụ máy bay va chạm với chim trời.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền của Sputnik Italy, chị Francesca Dalla Venezia một trong những người tạo lập dự án này đã kể về hệ thống độc đáo.
Sputnik: Ý tưởng dự án đã nảy sinh như thế nào?
Tất cả bắt đầu với Fabio Masci, quyền GĐ điều hành và đồng sáng lập công ty chúng tôi: ông từng là phi công quân sự, cống hiến 20 năm của đời mình để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay của không quân. Ông là một trong những huấn luyện viên-phi công F-16 đầu tiên, và do đó, vấn đề va chạm với chim liên quan trực tiếp đến ông vì so với máy bay chiến đấu thế hệ trước thì những chiếc chiến đấu cơ này dễ bị thiệt hại nghiêm trọng trong trường hợp va chạm. Bởi không có hệ thống dọa chim hiệu quả tại sân bay, buộc phải huy động sức người. Các nhân viên tuần tra khu vực sân bay nhiều lần trong ngày và khi thấy chim xuất hiện cần bật còi báo động.
Sputnik: Làm thế nào để đuổi đám chim khỏi đường băng sân bay?
Cách tốt nhất và hiệu quả nhất là báo động với chim. Mà đối với mỗi loài chim hiện hữu những âm thanh tác động vào bản năng tự vệ sinh tồn của chúng, và như vậy tạo ra thói quen cho chim để chúng không bay qua “lãnh thổ nguy hiểm” này. Nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi kéo dài sáu tháng, chúng tôi đã thu thập thông tin về thời gian xuất hiện mòng biển, chim cút, te mào và các loài khác. Tùy thuộc vào thời gian trong một ngày đêm và loại chim, có âm thanh đặc biệt để làm chúng sợ. Cần bật âm thanh sớm, ngay cả trước khi xuất hiện đám chim trên phi trường.
Chúng tôi không nhận thức được điều này, nhưng hóa ra chim là một trong những sinh vật thông minh nhất trên hành tinh. Chúng ghi nhớ thông tin mới rất nhanh, do đó, sẽ hoàn toàn vô dụng nếu gây ảnh hưởng bằng tín hiệu báo động khi chúng đã bắt đầu làm tổ. Cần phải làm cho chim hiểu rằng môi trường nơi chúng đang ở là nguy hiểm. Mặc dù các sân bay phù hợp để chim sinh sống nhưng chúng tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đối với an toàn bay.
Sputnik: Cú va chạm với chim dẫn đến hệ quả như thế nào?
Mức độ hệ quả nghiêm trọng của sự cố tùy thuộc vào điểm va đụng trên thân máy bay. Có trang web birdstrikes.it theo dõi các vụ như vậy trên toàn thế giới. Nhưng cần nhớ là nếu xem trang này có thể cảm nhận hội chứng sợ bay.
Cách đây chưa lâu, tại Venice, một chiếc trực thăng cứu thương đã va chạm với chim: con hải âu đã làm vỡ kính chắn gió và khiến viên phi công bị thương, khi máy bay đang chở một người bị thương khác. Tính đến tốc độ di chuyển của máy bay và của chính con chim, thông thường hậu quả tác động của loại va chạm này có thể sánh ngang với phát đạn từ súng hỏa lực.
Sputnik: Hệ thống của các bạn hoạt động như thế nào?
Hệ thống bao gồm các telecamera do trí tuệ nhân tạo điều khiển.
4 camera, mỗi bên một chiếc, di chuyển dọc theo chu vi đường băng, có thể giám sát địa bàn trong phạm vi 1 km và khoảng không gian độ cao 200 feet (61 m) so với mặt đất. Ngay khi xác định được con chim, hệ thống bật tín hiệu âm thanh. Cũng xác định thể loại nguy hiểm là gì: sinh vật sống, tức là chim, hay là vật vô tri, tức là khí cụ bay không người lái. Khi hệ thống nhận biết con chim, liền ghi lại vị trí, độ cao, hướng bay, loại chim và trên cơ sở những dữ liệu này sẽ phát ra tín hiệu nguy hiểm. Sáng chế của chúng tôi hoạt động như vậy đó.
Sputnik: Cần tạo phần mềm gì để phục vụ yêu cầu?
Đây là công việc rất lớn. Chúng tôi đã kết hợp với ĐHTH Verona vạch ra thuật toán cho hệ thống này. Nhưng cơ sở dữ liệu do chính chúng tôi tạo ra thông qua quá trình thu thập và phân tích lượng thông tin khổng lồ. Trên cơ sở liên tục nghiên cứu các loài chim, chuyên gia sinh vật học của chúng tôi tiến hành khảo sát, ghi hình sau đó phân tích dữ liệu và bổ sung đặc tính của từng loài vào danh mục.
Sputnik: Thế còn UAV thì khác gì chim, liệu có thể lường trước chuyến bay và mục đích của người điều khiển khí cụ?
Máy bay không người lái nguy hiểm hơn chim rất nhiều. Bởi vì rất thường xuyên là UAV tạo ra tình huống nguy hiểm một cách chủ ý và gây tổn thất tài chính lớn khiến sân bay phải đóng cửa, rồi các hãng hàng không cần chuyển hướng chuyến bay đến phi trường khác. Hiện tại chưa có hệ thống nào đủ khả năng nhận biết phát hiện UAV, vì các khí cụ bay này rất nhỏ bé. Hôm 28 tháng 5, Bộ Quốc phòng Anh đã tổ chức cuộc thi quốc tế cho các dự án hướng tới giải quyết vấn đề này, hiện vẫn đang tiếp diễn và chúng tôi cũng đã trình bày dự án của mình tại đó.
Sputnik: Các đại diện hàng không dân dụng đánh giá công việc của các bạn như thế nào?
Hiện tại hàng không dân dụng đối với chúng tôi không mấy nhiệt tình, và thực sự chúng tôi không hiểu nổi vì sao, bởi sáng chế của chúng tôi rẻ, thân thiện với môi trường mà lại hiệu quả. Nhưng chúng tôi cũng có sự hỗ trợ của Quỹ toàn thế giới tế Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã (WWF), Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc gia Italy (ENAC) cũng ủng hộ, nhưng tiếp theo không có gì hơn. Phải nói rằng ở Italy hệ thống sân bay nhỏ và rất tách biệt: có ít sân bay và một vài nhà khai thác quản lý. Vì vậy chúng tôi đã đề xuất hệ thống BCMS Ventur cho hãng Aeroport de Paris, quản lý 25 sân bay tại Pháp, để triển khai vận dụng ở các sân bay đang được xây dựng.
Có thêm một vấn đề khác xuất phát từ số liệu thống kê các vụ va chạm với chim: theo dữ liệu của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) – thì khoảng 70% các vụ va chạm không được thông báo, bởi thực tế khá nhạy cảm là đưa sự cố vào báo cáo sẽ làm tăng độ rủi ro của sân bay, từ đó đe dọa làm giảm thu nhập từ hợp đồng với các hãng hàng không.
Sputnik: Phát minh của các bạn có thay thế việc sử dụng chim ưng sống ở các sân bay hay chăng?
Chim ưng có những sở thích khác. Mục tiêu của chúng là săn mồi cho chính mình. Chim ưng săn mồi không chỉ với chim, mà bắt cả thỏ, chuột và các “nhân viên” này phải được huấn luyện đặc biệt để săn những con mồi như vậy. Ngoài ra - và nhiều sân bay xác nhận điều này – thông thường chim ưng vẫn cố tìm cách bỏ trốn hoặc chính chúng là nạn nhân của động cơ máy bay. May thay là trong tương lai gần sẽ từ bỏ dùng đại bàng đuổi chim. May cả cho những con chim ưng lẫn cho các hành khách.