Đương nhiên là để xảy ra sản xuất, tiêu thụ xăng giả trên địa bàn thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, nhưng phải nói rõ ai và người đó phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Tại nhiều diễn đàn, cán bộ lãnh đạo địa phương, ngành đứng ra nói rất hùng hồn “tôi xin chịu trách nhiệm” rồi coi như xong. Không ai biết vị lãnh đạo đó chịu trách nhiệm như thế nào, hình thức gì, khi nào thực hiện, thời hạn bao lâu. Nói thẳng là phải có một hình phạt cụ thể, một mức chịu trách nhiệm rõ ràng. Nếu chỉ nói thì ai nói chẳng được.
Ngoài lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, còn các vị lãnh đạo của nhiều ngành trong tỉnh, có ai dám đứng ra chịu trách nhiệm hay không? Cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, cơ quan kiểm tra chất lượng…, rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng bỏ sót một cơ sở sản xuất, tiêu thụ xăng giả với số lượng hàng triệu lít.
Tỉnh Sóc Trăng có nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu bán sản phẩm của Trịnh Sướng, có những kho chứa xăng của Trịnh Sướng. Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu để đo lường chất lượng, nhưng kết quả các mẫu đều đạt chất lượng.
Rất đáng chịu trách nhiệm, vì có đủ công cụ trong tay nhưng bị mờ mắt. Vì sao mờ mắt? Cái thấy rõ ví dụ như Trịnh Sướng tổ chức cho nhiều cán bộ lãnh đạo đi tham quan học tập ở Nhật Bản. Đi du lịch vui chơi hưởng thụ thì cứ nói cho nó thẳng thớm, sao lại gọi là đi học!
Còn có những thứ mờ mắt nhưng không dễ thấy.
Có những việc không biết sao mà lần, ví dụ như ông Trịnh Sướng nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen.
Ngay cả việc xét tặng vô tư, vô lợi, nhưng cũng đáng phải chịu trách nhiệm vì đã tặng bằng khen cho một đơn vị sản xuất tiêu thụ xăng giả. Câu hỏi đặt ra là chịu trách nhiệm như thế nào, đừng nói chung chung.