Thành công tại King’s Cup không xóa hết những vấn đề của tuyển Việt Nam và U23 quốc gia trong quãng đường còn lại của năm 2019. HLV Park Hang-seo và đội ngũ của mình vẫn còn nhiều câu hỏi cần lời giải trong thời gian tới.
Cân bằng lực lượng giữa U23 Việt Nam và tuyển quốc gia
Trong bản kế hoạch năm 2019 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Park Hang-seo, đôi bên đã thống nhất triệu tập song song 2 đội tuyển quốc gia và U23 trong tất cả đợt tập trung. Tại King’s Cup 2019 vừa qua, đợt triệu tập song song đầu tiên đã diễn ra.
Từ nay tới hết năm, đội tuyển và U23 sẽ có thêm 3 đợt triệu tập như vậy. Khác với King’s Cup vừa qua, 3 đợt triệu tập tới của tuyển Việt Nam là các trận đấu chính thức. Mỗi trận đều có ý nghĩa sống còn với tham vọng World Cup của HLV Park Hang-seo và bóng đá Việt Nam. Ông Park sẽ cần lực lượng mạnh nhất trong cả 3 đợt tập trung ấy.
Ở đợt tập trung vừa qua, tuyển quốc gia đã “gửi” 5 tuyển thủ quốc gia xuống U23 Việt Nam. Trong số ấy, có cả những nhà vô địch Đông Nam Á hoặc dự Asian Cup như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thành Chung, Nguyễn Tiến Linh. Nếu ông Park rút hết số tinh binh này lên tuyển quốc gia, các đợt tập trung U23 sẽ bị ảnh hưởng.
Chọn ai lên tuyển, giữ ai ở lại U23, làm sao để tuyển quốc gia có lực lượng tốt nhất còn U23 vẫn đủ quân số để chuẩn bị cho các kế hoạch quan trọng vào cuối năm sẽ là vấn đề khiến HLV Park Hang-seo phải suy nghĩ.
Công Phượng, Anh Đức và bài toán hàng công
Bắt đầu từ Asian Cup 2019, tất cả đều đã nhìn thấy rõ vấn đề của tuyển Việt Nam ở hàng công khi không một tiền đạo nào có phong độ cao. King’s Cup 2019, tuyển Việt Nam giành ngôi Á quân nhưng vấn đề ấy vẫn chưa được xử lý. Văn Toàn không thể mang phong độ ở CLB lên đội tuyển, HLV Park Hang-seo buộc phải gọi lại Anh Đức và đặt trọn niềm tin vào tiền đạo 34 tuổi này.
Anh Đức không khiến ông Park thất vọng khi ghi bàn duy nhất đánh bại Thái Lan. Nhưng nên nhớ, đây mới là thời điểm giữa mùa giải. Ngay cả khi Anh Đức đồng ý tái xuất ở vòng loại World Cup 2022 vào cuối năm, đó là thời điểm cuối mùa. Khi ấy, Anh Đức đã chơi cả mùa bóng, ra sân cả tại V.League, Cúp quốc gia lẫn AFC Cup trong màu áo Bình Dương. 6 trận vòng loại World Cup xen kẽ với giai đoạn quyết định V.League trong 3 tháng là thử thách khốc liệt với thể lực của một tiền đạo 34 tuổi.
Nếu vấn đề của Anh Đức là phải thi đấu quá nhiều, vấn đề của Công Phượng sẽ hoàn toàn ngược lại. Số 10 của tuyển Việt Nam đã chia tay Incheon và chuẩn bị cho chuyến thử việc tại Pháp. Nếu thành công, Phượng sẽ có cơ hội thi đấu ở Ligue 2. Ngược lại, giai đoạn 2 mùa 2019 sẽ là thời điểm khó khăn của Phượng khi anh không thể quay về V.League do đã hết thời hạn đăng ký, đồng thời khó tìm bến đỗ mới và đối diện nguy cơ nghỉ thi đấu phần còn lại của mùa giải.
Viễn cảnh tệ nhất với tuyển Việt Nam là Công Phượng nghỉ thi đấu phần còn lại của năm, Anh Đức sa sút thể lực sau mùa bóng kéo dài. Đó không thể là sự chuẩn bị tốt cho vòng loại World Cup.
Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu cần được nghỉ ngơi
Chia sẻ với báo giới hôm 14/5, trước trận gặp Tampines Rovers ở AFC Cup, HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hà Nội từng nói: “Chúng tôi chơi hơn các CLB ở V.League 9 trận, đá 2 trận play-off Cúp châu Á, 6 trận vòng bảng AFC Cup và một trận Siêu cúp quốc gia. Mật độ trung bình là 4 ngày/trận”.
“Tinh thần cầu thủ bị ảnh hưởng khi hôm nay vừa đá, hôm sau đã phải bước vào tập luyện chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo. Thể lực ảnh hưởng là đương nhiên và còn có thể dễ xảy ra chấn thương”, ông Nghiêm giải thích.
Thực tế đúng như ông Nghiêm chia sẻ. Toàn bộ nhóm trụ cột Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu, Đình Trọng... đều đã dính chấn thương trong năm 2019. Nhóm cầu thủ CLB Hà Nội và Bình Dương, hai đội đá AFC Cup, cũng là những người được HLV Park Hang-seo chỉ đích danh trong cuộc họp báo trước trận gặp Curacao hôm 7/6. Ông Park tin rằng họ cần được giảm tải và sử dụng hợp lý hơn nếu muốn đạt điểm rơi phong độ vào cuối năm - thời điểm quyết định của tuyển quốc gia và U23.
Nhưng thực hiện việc đó là điều không đơn giản. CLB Hà Nội (và Bình Dương) cần tinh binh cho mùa giải V.League và nhất là đấu trường AFC Cup - giải đấu họ đều đã vượt qua vòng bảng. Khi ấy, Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh, Anh Đức... sẽ phải chơi nhiều hơn các đồng đội bao nhiêu trận? 11 trận, 13 trận hay nhiều hơn nữa?
Làm sao để cân bằng quyền lợi của tuyển Việt Nam và CLB. Đó là bài toán khó cho cả VFF, CLB và HLV Park Hang-seo.
Ai thay Đình Trọng dài hạn?
“Khi gút danh sách đội tuyển, tôi đã trao đổi với bác sĩ rất kỹ về chỗ của Đình Trọng. Vết mổ cổ chân của cậu ấy không có vấn đề gì nên tôi mới quyết định giữ lại. Việc sử dụng Trọng từ đầu trong trận Thái Lan thực ra là kế hoạch quan trọng của chúng ta”.
“Lý do phải dùng Trọng trong hiệp một bởi Thái Lan là kình địch lớn của Việt Nam”, HLV Park Hang-seo đã nói về quyết định sử dụng Đình Trọng mới hồi phục chấn thương trước Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á hồi tháng 3.
Nhưng giờ thì ông không còn Đình Trọng nữa. Chấn thương sẽ khiến Trọng vắng mặt trong toàn bộ chiến dịch vòng loại World Cup, SEA Games 30 và thậm chí cả U23 châu Á 2020.
Ở tuyển quốc gia, bài toán Đình Trọng đã có đáp án khi Bùi Tiến Dũng thay thế đàn em tại Asian Cup 2019. Nhưng tại SEA Games 2019, đó là câu hỏi cực lớn. Sau gần 2 năm, HLV Park Hang-seo sẽ không còn trong tay cả 3 trung vệ của giải đấu lịch sử ở Thường Châu (Tiến Dũng, Duy Mạnh quá tuổi). Thay thế một trong 3 người họ đã khó, thay thế cả ba thì gần như bất khả thi.