Trong những năm gần đây, số người nhiễm bệnh phong đang gia tăng, chủ yếu ở Ấn Độ, Brazil và Indonesia. Điều đó cho thấy rằng, mầm bệnh vẫn tồn tại ở những nơi trú ngụ và không phải tất cả các cách lây lan mầm bệnh được biết đến. Sau đây là bài của Sputnik về một trong những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm nhất trên thế giới.
Bệnh gây tàn tật
Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên, nó gần giống với trực khuẩn lao. Mycobacterium leprae thâm nhập vào các tế bào của da và màng nhầy và phát triển rất chậm ở đó. Thời gian phân chia hai tuần một lần - một kỷ lục về thời gian trong số các mầm bệnh. Để so sánh: trực khuẩn lao có thời gian phân chia khoảng 20 giờ một lần.
Thời gian ủ bệnh kéo dài nhiều năm. Những triệu chứng có thể xuất hiện ngay cả sau hai thập kỷ: những đốm trên da, những cục u, bướu. Trong trường hợp bệnh phong nặng, vi khuẩn ảnh hưởng đến các dây thần kinh ngoại biên khiến ngón tay bị xoắn, mất độ nhạy.
Bệnh gây tàn tật. Thời xưa, những người phong cùi đã bị trục xuất, chuyển đến những nơi khác. Tại Nhật Bản, luật về cách ly bắt buộc bệnh nhân mắc bệnh phong đã có hiệu lực cho đến năm 1996. Ở Ấn Độ, những người phong cùi không có quyền lao động và bị cấm hiện diện ở những nơi công cộng.
Các chuyên gia đã phát hiện tác nhân gây bệnh phong vào cuối thế kỷ XIX, nhưng, phương pháp chữa trị bệnh này chỉ xuất hiện vào năm 1940, đây là thuốc kháng sinh dapsone. Hai mươi năm sau, các chuyên gia đã phải tạo ra hai loại thuốc mới vì trực khuẩn Mycobacterium leprae đã phát triển các chủng kháng thuốc.
Trong những năm 1980, trên thế giới đã có 11 triệu người phong cùi. WHO đã đặt mục tiêu diệt trừ bệnh phong, các thuốc điều trị đã được cung cấp miễn phí. Năm 2000, các chuyên gia của tổ chức này đã tuyên bố rằng, bệnh phong không còn nguy hiểm nữa.
Bây giờ trên hành tinh chúng ta có gần 400 ngàn bệnh nhân, 74% là ở Ấn Độ, Brazil và Indonesia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các bác sĩ phát hiện ra ngày càng nhiều ca nhiễm mới. Theo WHO, trong năm 2015 đã có 210.758 người mắc bệnh phong, và trong năm 2017 - 211.009 người.
Phát hiện những nơi phát tán mầm bệnh
Tác nhân gây bệnh phong không thể được nuôi cấy trong môi trường nhân tạo, nó chỉ tồn tại bên trong các tế bào sống. Điều này đã gây khó khăn trong quá trình nghiên cứu cho đến những năm 1970, khi các nhà khoa học tìm thấy những con tê tê Dasypus novemcinctus và Euphractus sexcinctus bị nhiễm bệnh phong ở Nam Mỹ và miền Nam Hoa Kỳ.
Trong một thời gian dài những con tê tê là các đối tượng duy nhất để nghiên cứu bệnh phong trong phòng thí nghiệm. Sau đó, các nhà khoa học đã tìm cách trồng trực khuẩn này trong tế bào chân chuột. Vào năm 2014, họ đã xác định rằng, vi khuẩn sống sót trong u nang Acanthamoeba - đơn bào sống trong nước ngọt và đất ướt. Ở môi trường này, vi khuẩn có thể hoạt động trong 8 tháng. Cộng đồng khoa học đã cảnh báo rằng, đây cũng là cách lây lan bệnh nguy hiểm - thông qua nước hoặc đất.
Năm 2016, các nhà khoa học đã nghiên cứu các mẫu u bướu của những con sóc ở Vương quốc Anh và Ireland, và đã phân lập từ đó Mycobacterium leprae và một loài vi khuẩn liên quan khác -Mycobacterium lepromatosis. Sau đó các loài vi khuẩn này đã được tìm thấy ở người.
Vi khuẩn cũng có thể tồn tại trong đất. Dấu vết DNA của nó đã được phát hiện trong các mẫu đất từ Bangladesh, Suriname, Quần đảo Browns và Arran, nơi có những con sóc bị bệnh.
Tất cả điều này sẽ giúp làm sáng tỏ cách lây truyền bệnh phong. Người ta tin rằng, cách lây lan chính - từ không khí qua những cơn ho và hắt hơi của người mang virus khi có nhiều liên hệ kéo dài với bệnh nhân. Thường xuyên nhất là những thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca nhiễm mới cho thấy rằng có thể có các cách lây truyền mầm bệnh khác, không chỉ từ người sang người.
Các chuyên gia di truyền khám phá ra những bí mật
Các nhà khoa học coi những con tê tê hoang dã là một nguồn bệnh phong tự nhiên. Họ đã ghi nhận những ca nhiễm trùng từ tê tê ở miền nam Hoa Kỳ. Trên Quần đảo Anh người ta chưa cảnh báo về sự nguy hiểm của loài sóc. Ngoài ra, mầm bệnh đã được phát hiện ở các loài linh trưởng ở Châu Phi và Đông Nam Á.
Các chủng gây ra bệnh phong ở người đã xuất hiện như thế nào? Câu trả lời là nghiên cứu về DNA từ các mộ cổ. Năm 2018, một nhóm các nhà khoa học quốc tế do nhà di truyền học người Đức Julian Krause dẫn đầu đã công bố kết quả giải trình tự bộ gen của tác nhân gây bệnh phong phân lập từ hài cốt được tìm thấy trong ngôi mộ cổ ở những quốc gia châu Âu. Nhờ đó có thể theo dõi sự phát triển của mầm bệnh này trong thời gian 1.500 năm kể từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên.
Ông Krause và các đồng nghiệp đã phát hiện 10 bộ gen thuộc các nhánh khác nhau của tác nhân gây bệnh phong, điều này cho thấy sự đa dạng di truyền lớn. Các chủng lưu hành trong những con sóc ở Quần đảo Anh và trong những con tê tê ở miền Nam Hoa Kỳ rất giống với các chủng đã tấn công người châu Âu thời trung cổ, và vẫn còn hoạt động ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Có lẽ căn bệnh này đã truyền sang động vật từ những người thời trung cổ trong thời đại của những khám phá vĩ đại? Điều này vẫn chưa rõ.
Các nhà khoa học chưa có câu trả lời rõ ràng về việc bệnh phong lây lan như thế nào, khuynh hướng di truyền đóng vai trò gì, các chủng vi khuẩn đề kháng các thuốc kháng sinh phát triển với tốc độ nào. Hiện vẫn chưa có xét nghiệm phát hiện bệnh phong theo mẫu máu. còn các loại vắc-xin đang ở giai đọan phát triển.
Chính bởi vậy Tổ chức Y tế thế giới đã phát động một chương trình mới phòng chống bệnh phong đến năm 2020.