Hơn 700 năm trước, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn từng khuyến cáo vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.
Việt Nam ngày nay không phải đang trong tình trạng chiến tranh dù chống tham nhũng, lãng phí đôi khi cũng được gọi là “cuộc chiến” chống giặc nội xâm.
Thời bình khoan thư sức dân, dân giàu thì nước mạnh, dân nghèo thì lấy gì đóng thuế, lấy gì trả phí, lấy gì mua hàng để khuyến khích sản xuất?
Không khoan thư sức dân tất sẽ dấn đến dân không đồng thuận, lúc đó dẫu kho nước có đầy tiền cũng không dùng tiền ấy mà mua được sức mạnh chống giặc, càng không đủ để cống nạp cho bọn ngoại bang mà lòng tham và sự thâm hiểm của chúng đã được chứng thực qua hàng nghìn năm lịch sử.
Ngày nay chuyện “khoan thư sức dân” được thực hiện như thế nào?
Vài năm trở lại đây, đóng góp của dân trong hai lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống cả trăm triệu người Việt là Giáo dục và Y tế liên tục tăng.
Tại Hà Nội, trước đây chính quyền quyết định thu 155.000 đồng/tháng với học sinh các cấp học (nhà trẻ cho đến trung học phổ thông) ở thành thị, 75.000 đồng/tháng với học sinh trên địa bàn nông thôn và 19.000 đồng/tháng với địa bàn miền núi.
Dự kiến đến năm học 2020 - 2021, mức thu học phí của Hà Nội sẽ là 300.000 đồng/tháng đối với thành thị, 120.000 đồng/tháng đối với nông thôn và 30.000 đồng/tháng với khu vực miền núi.
Học phí khu vực thành thị từ 155.000 đồng tăng lên 300.000 đồng nghĩa là tăng gần 200% trong khi mức tăng lương năm 2019 khoảng 7,2% thế thì sau bao nhiêu đợt điều chỉnh mức lương sẽ tăng tương đương với tiền học mà các gia đình phải nộp?
Từ 15/01/2019, giá dịch vụ y tế tăng khoảng 10%, người có thẻ bảo hiểm y tế cũng phải “đồng chi trả 20%”.
Bộ Công thương mới cho phép Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện từ tháng 3/2019 với mức tăng hơn 8,3%.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng phí các trạm BOT và tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, một ông đại biểu Quốc hội (Nguyễn Quốc Hưng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch), đề xuất mỗi người khi ra nước ngoài nên đóng góp khoản tiền từ 3 - 5 USD, gọi là "phí chia tay"?
Nghe nói hai bộ Giao thông và Kế hoạch Đầu tư không muốn Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án BOT vì “đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân” theo lời Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể.
Dân muốn biết ông Bộ trưởng Thể có khi nào đi xe riêng và tự trả tiền phí BOT chưa?
Lương năm 2019 tăng gần 7,2% và đối tượng được tăng lương là công chức, viên chức, công nhân trong doanh nghiệp và người nghỉ hưu.
Cả nước có khoảng 11 triệu người hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách, bao gồm cả những người hương lương hưu (chiếm 11,5% dân số).
Số lượng công nhân cả nước là khoảng 11.565.900 người (chiếm 12,8% dân số).
Số công nhân làm việc trong doanh nghiệp nhà nước chỉ có 1,66 triệu người, còn lại là làm cho doanh nghiệp tư nhân hoặc nước ngoài.
Như vậy ngân sách nhà nước dành cho tăng lương sẽ có tác động lên khoảng 12,66 triệu người, chiếm khoảng 13,3% dân số.
Ngược lại việc tăng giá điện (8,36%), học phí (tại Hà Nội là khoảng 200%), viện phí (10%), phí các dịch vụ (ngân hàng, hàng không, vệ sinh môi trường,…) đã tác động đến gần như mọi gia đình tức là gần 100% dân số.
Vậy khoản thu từ dân lớn hơn hay khoản chi tăng lương lớn hơn?
Vậy sức dân đang được “khoan thư” hay …?
Sáng kiến “Phí chia tay” mà ông cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đưa ra dựa vào việc một số quốc gia đã áp dụng không có gì mới, điều mới là ở chỗ ông Đại biểu Quốc hội cho rằng 3-5 USD chỉ tương đương một bữa ăn sáng!
Với phần lớn người Việt, số tiền 3-5 USD tương đương từ 70.000 – 115.000 đồng, đó là tiền ăn cho cả gia đình 04 người trong một ngày.
Với rất nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đó là khoảng 1/10 tiền lương cả tháng bởi hiện có không ít giáo viên hợp đồng Hà Nội hưởng mức lương 1.200.000 đồng/tháng.
Không biết những người đang muốn “đè dân ra mà thu phí” có biết đến bài báo đăng ngày 31/10/2017 trên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam: “Dân Việt Nam “gánh” thuế và phí trên GDP gấp 1,4 - 3 lần quốc gia khác”, bài báo viết:
“So với thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực nhưng tỷ lệ thu cao hơn đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác”. [2]
Bài báo cũng cho thấy không chỉ người dân, doanh nghiệp cũng là chùm kế ngọt để các ông vừa là nghị vừa là quan đưa vào tầm ngắm thuế, phí:
“Tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng. Như vậy, thực tế năm 2017 cho thấy đã áp dụng tối đa các giải pháp tận thu nhưng kết quả thu ngân sách vẫn giảm, không đủ chi”.
Cũng may là còn có đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu ý kiến với ông cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về “Phí chia tay”:
"Sao ông không nghiên cứu so sánh và tìm ra giải pháp về vấn đề tại sao đời sống của người dân VN tiến chậm (không muốn nói là quá chậm), thu nhập thấp. Sao lại cứ muốn đè dân ra mà thu phí".
Doanh nghiệp bị “tận thu” còn dân thì bị “đè ra mà thu” vậy có lẽ chỉ còn lại những ông “buôn chổi đót”, “làm thối móng tay” hoặc “ký mỏi tay”,…là “chấp cả nón” các loại thuế phí.
Đại biểu Quốc hội là người được dân ủy nhiệm thay mặt mình quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.
Thế mà có vị Đại biểu Quốc hội muốn “đè dân ra mà thu phí”, có ông Nghị từng bảo những người bỏ phiếu bầu cho ông ấy: “dân trí thấp, không thể tuỳ tiện trưng cầu ý dân", có người bảo đại biểu Quốc hội khác là “thiển cận”, “đại ngu”,…
Những người như thế dân chúng gọi là “Nghị nhảm” để phân biệt với một bộ phận báo chí gọi là “Nghị gật”.
Xin giải thích ngay từ “Nghị gật” là dựa vào bài báo: “Mong Chủ tịch Quốc hội nhắc đại biểu đừng ngủ gật” đăng trên Vtc.vn:
Bài báo có đoạn: “Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, cử tri Trương Công Bình nêu ra một vấn đề tế nhị là đề nghị Chủ tịch Quốc hội nhắc các đại biểu đừng nói chuyện riêng và đừng ngủ gật tại kỳ họp”.
Nếu thức khuya nghiên cứu tài liệu, lại còn phải lo việc cơ quan suốt cả tháng đi họp thì ngủ gật tí chút có thể thông cảm, nhưng dân tuyệt đối không muốn để tồn tại những “Nghị nhảm”, vừa tốn tiền dân trả lương lại mất thời gian nghe những lời ngô ngọng.
Sức dân dù có là “chùm khế ngọt” thì cũng không thể để cho ông cựu Phó tổng Du lịch “trèo hái mỗi ngày”.
Đổi lại, nếu trí tuệ là chùm khế ngọt mà ông cựu Phó Tổng Du lịch ngày nào cũng trèo hái thì mưa dầm thấm lâu, biết đâu ông ấy sẽ nói thêm được “Tiếng Dân” chứ không phải chỉ biết thứ ngôn ngữ đang thịnh hành là “Tiếng Quan”.
Những người giỏi “Tiếng Dân” nếu muốn tái cử thêm vài nhiệm kỳ chắc dân cũng chả tiếc.