Ngáp là một cơ chế bảo vệ cơ thể đã phát triển trong quá trình tiến hóa. Ngáp xảy ra khi bộ não trở nên quá nóng, và thở bằng mũi giúp làm mát não. Các nhà sinh học của Ý và Hoa Kỳ đã đi đến kết luận này và quyết định làm sáng tỏ tại sao chúng ta ngáp và tại sao hiện tượng này rất dễ lan truyền: nhìn thấy ai đó ngáp cũng vô tình khiến bạn muốn ngáp.
Như dự kiến, kết quả nghiên cứu sẽ được công bố vào tháng 8 trên tạp chí Physiology & Behavior.
“Cả giới khoa học và những người dân bình thường đều hiểu lầm về hiện tượng ngáp”, - ông Andrew Gallup, tác giả chính, giáo viên tâm lý học tại Học viện Bách khoa Đại học New York cho biết.
Không chỉ con người, mà còn nhiều loài động vật cũng ngáp. Đã từ lâu các nhà khoa học cố gắng tìm hiểu cơ chế của hiện tượng này và ý nghĩa của nó từ quan điểm thần kinh học. Một trong những giả thuyết có tính thuyết phục hơn là việc ngáp giúp dòng máu quá nóng chảy ra từ đầu, nghĩa là phục vụ cho điều chỉnh nhiệt. Một nghiên cứu mới đã xác nhận giả thuyết này.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, sự gia tăng nhiệt độ bên trong hộp sọ là lý do chính gây ra ngáp. Và mục đích của hiện tượng này, cả tự phát và truyền nhiễm, là duy trì nhiệt độ não tối ưu để hoạt động hiệu quả nhất.
Miếng gạc chống ngáp
Các nghiên cứu trước đây của Andrew Gallup và các đồng nghiệp của ông đã cho thấy rằng, mức độ lây nhiễm hiện tượng ngáp rất khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong năm và phụ thuộc trực tiếp vào nhiệt độ môi trường.
Ví dụ, ở bán cầu Bắc, con người ngáp ít hơn trong mùa đông, khi nhiệt độ bên ngoài thấp hơn mùa hè.
Đồng thời, ngáp bắt đầu lây nhiễm mạnh nhất ở nhiệt độ khoảng 20 độ C. Nhiệt độ cao hơn gần như không ảnh hưởng đến tần suất và thời gian ngáp.
Trong cuộc nghiên cứu này, các tác giả đã kiểm tra giả thuyết điều chỉnh nhiệt: họ đã áp dụng ba loại miếng gạc lên cổ của những người tham gia thí nghiệm: miếng gạc lạnh (4 độ C), miếng gạc nóng (46 độ) và miếng gạc nhiệt độ phòng (22 độ).
Sau khi đặt miếng gạc lên động mạch cảnh trong 5 phút và ghi nhận sự thay đổi nhiệt độ não, các nhà khoa học đã cho các đối tượng xem đoạn video ngắn với chín người đang ngáp và theo dõi phản ứng của các tình nguyện viên: ai bắt đầu ngáp và ngáp bao lâu.
Đồng thời, để bảo đảm độ chính xác của thí nghiệm, các nhà khoa học đã tính đến thời gian mỗi người ngủ vào ngày hôm trước.
Hóa ra rằng, cái lạnh làm giảm đáng kể thôi thúc về việc ngáp. Sau khi áp dụng miếng gạc nóng, 85% đối tượng muốn ngáp, và sau khi áp dụng miếng gạc lạnh chỉ có chưa đến một nửa số người tham gia bắt đầu ngáp (48%).
Hơn nữa, sau khi áp dụng miếng gạc lạnh, tổng số lần ngáp khi xem clip đã giảm gấp ba lần. Vì vậy, theo các nhà nghiên cứu, chức năng điều nhiệt của ngáp có thể được coi là đã được chứng minh.
Hiện tượng ngáp đầy bí ẩn
Tuy nhiên, cuộc thí nghiệm không trả lời ít nhất ba câu hỏi.
Câu hỏi đầu tiên: nếu con người ngáp để giúp thư giãn não và ngăn não bộ bị quá nhiệt, thì tại sao miếng gạc nóng hầu như không làm tăng thôi thúc việc ngáp so với gạc nhiệt độ phòng - trong khi nhiệt độ bên trong hộp sọ đã tăng?
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đề xuất câu trả lời như sau: việc ngáp chỉ là một cơ chế làm mát bù, và miếng gạc nóng làm tăng nhiệt độ của não lên ngưỡng cao hơn so với nhiệt độ khi ngáp mang lại hiệu quả.
Câu hỏi thứ hai: tại sao, bất kể nhiệt độ, chúng ta thường ngáp nhiều hơn sau một đêm mất ngủ hay sau một ngày làm việc mệt mỏi? Phải chăng điều này có nghĩa là sự mệt mỏi làm giảm hiệu quả của các cơ chế điều chỉnh nhiệt và cơ thể con người phải dùng đến những cơ chế bổ sung?
Theo các nhà khoa học, đây là một lời giải thích hợp lý, nhưng, để xác nhận kết luận này cần phải thực hiện những thí nghiệm bổ sung.
Và câu hỏi thứ ba: tại sao ngáp rất dễ lây nhiễm, tại sao chúng ta thường muốn “làm mát não” khi thấy người khác đang ngáp? Đáng tiếc, Andrew Gallup và các đồng nghiệp của ông chưa có câu trả lời cho câu hỏi này mặc dù trước đây họ đã thực hiện các thí nghiệm trong lĩnh vực này.