Mikhail Lomonosov đã sinh ra tại đây, vì vậy trường đại học ở Arkhangelsk, cũng như Đại học tổng hợp Matxcơva, mang tên nhà khoa học Nga vĩ đại.
Trong sáu tháng qua, các đại diện của trường đại học này đã hai lần đến thăm thủ đô Việt Nam để thiết lập quan hệ đối tác với các trường đại học cùng chuyên ngành của nước này. Tháng 11 năm ngoái, phái đoàn của Đại học Liên bang miền Bắc (NArFU) đã tham gia Triển lãm Giáo dục Quốc tế tại Hà Nội, khi đó các chương trình giáo dục của NArFU về tiếng Nga như ngôn ngữ nước ngoài, cũng như về các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật và CNTT đã thu hút sự quan tâm lớn. Vào tháng 2 đến tháng 3, phái đoàn NArFU đã tham gia Diễn đàn hiệu trưởng các trường đại học Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức tại Hà Nội.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế của NArFU, bà Lyubov Zarubina cho biết:
“Các đại diện của trường chúng tôi đã gặp gỡ với đại diện các trường trung học phổ thông Hai Bà Trưng và Hoàng Văn Thụ, với ban lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Thái Bình và Viện Tài nguyên và Môi trường. Phía Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm lớn đến các chương trình giáo dục của trường đại học chúng tôi, đến khả năng thực hiện những cuộc nghiên cứu khoa học chung và công bố kết quả nghiên cứu. Cũng như đến chương trình trao đổi sinh viên và giáo viên.
Chúng tôi đã thực hiện bước đầu tiên theo hướng này cùng với Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội. Gần đây phái đoàn của trường này đã đến Arkhangelsk. Các đồng nghiệp Việt Nam đã làm quen với trường chúng tôi, với các giáo viên và sinh viên, trong đó có hơn 800 lưu học sinh đến từ 50 quốc gia trên thế giới. Phát biểu tại hội thảo giảng dạy, Giáo sư Nguyễn Công Nghiệp đã cho biết chi tiết về hệ thống giáo dục ở Việt Nam, về những đặc điểm khi làm việc với sinh viên Việt Nam. Và Giáo sư Trần Đức Minh đã đọc bài giảng về quá trình phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Theo kết quả chuyến thăm của các đồng nghiệp Hà Nội, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác. Ví dụ, văn kiện này viết rằng, số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại NArFU sẽ gia tăng. Ngày nay, chỉ có một vài người đang học dự bị và trong chế độ nghiên cứu sinh. Kể từ năm học tiếp theo, chúng tôi đã đồng ý trao đổi sinh viên - tối đa ba người mỗi bên, theo chương trình đầy đủ về đại học, sau đại học và nghiên cứu sinh. Hai bên sẽ tạo điều kiện như nhau: miễn học phí, còn đi lại và ăn ở là chi phí của các bên gửi. Sau một năm nữa chúng tôi sẽ cố gắng tài trợ chỗ ở của các bạn Việt Nam. Thỏa thuận cũng quy định trao đổi giáo viên với các bài giảng, kể cả theo chương trình dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, cũng như thực hiện những cuộc nghiên cứu chung để chuẩn bị các tác phẩm khoa học chung.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, giáo sư Trần Đức Minh, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ phụ trách chương trình quốc tế, người đứng đầu phái đoàn đã đến thăm NArFU, nhấn mạnh rằng, thỏa thuận hợp tác là rất hợp thời:
Tất cả các điều khoản của thỏa thuận đều là quan trọng đối với sự phát triển của hoạt động kinh doanh trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để thúc đẩy quá trình Nga tiếp cận thị trường Việt Nam và khu vực ASEAN nói chung. Và, tất nhiên, một điều quan trọng là thỏa thuận này đã được ký kết trong khuôn khổ Năm chéo hữu nghị Việt - Nga.
Như bà Lyubov Zarubina nói với Sputnik, phái đoàn của Đại học Quốc gia Lâm nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ đến NArFU vào tháng 9 năm nay.