Họ nói: Mỹ chỉ đơn giản không có gì để thay thế nhiều sản phẩm từ Trung Quốc. Và ngay cả những công ty Mỹ sản xuất thành phẩm ở quê nhà vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.
Xét theo mọi việc, hiện nay chưa thể nói về việc giảm thiểu các hàng rào thuế quan ở cả hai bên. Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đã tuyên bố rằng, ngay cả nếu lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, chúng ta không thể hy vọng sớm có thỏa thuận thương mại. Ông Ross nhận xét rằng, trong trường hợp tốt nhất, hai bên sẽ đồng ý nối lại cuộc đàm phán song phương. Và trong trường hợp xấu nhất - cuộc gặp song phưng sẽ không diễn ra. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Trên thực tế, các phiên điều trần đang thảo luận về những biện pháp trừng phạt mới này.
Nếu Mỹ lại một lần nữa tăng thuế thì biện pháp này sẽ tác động đến tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các doanh nhân Mỹ, một số sản phẩm không thể được sản xuất ở bất cứ nơi nào khác ngoại trừ ở Trung Quốc. Tờ WSJ trích dẫn lời tuyên bố của người đứng đầu nhóm Atlas PyroVision Entertainment lưu ý rằng, Trung Quốc không có ai sánh bằng trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất, chẳng hạn, pháo hoa. Ở các nước châu Á khác, những sản phẩm tương tự có chất lượng thấp hơn nhiều. Và ở Mỹ không có ai sản xuất pháo hoa từ giữa những năm 1990: việc thành lập những doanh nghiệp như vậy ở Hoa Kỳ là một vấn đề rất phức tạp và tốn kém do yêu cầu an toàn ngày càng cao và thiếu công nhân lành nghề trong lĩnh vực này, v.v.
Trong phiên điều trần này, công ty New Balance Athletics cũng lên tiếng phản đối tăng thuế quan. Công ty này sản xuất giày thể thao ở Hoa Kỳ và đáng lẻ có thể hưởng lợi từ chính sách thuế quan của Trump. Tuy nhiên, các đại diện của công ty lưu ý rằng, một số thành phần để sản xuất giày dép, ví dụ như đế, đến từ Trung Quốc. Do đó, mức thuế mới, cuối cùng, sẽ ảnh hưởng đến cơ sở sản xuất nội địa và giá giày thể thao sẽ tăng trong các cửa hàng Mỹ.
— arthur fang (@applefan333) June 18, 2019
Ngay cả nông dân Mỹ - một phần chủ đạo trong lực lượng cử tri ủng hộ ông Trump - cũng phàn nàn. Hóa ra, các nhà sản xuất rượu vang ở California bây giờ gặp khó khăn, bởi vì họ đã mua các chai thủy tinh ở Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, các quy định nghiêm ngặt về môi trường và chi phí sản xuất thủy tinh cao ở California dẫn đến thực tế là trong 20 năm qua, các cơ sở sản xuất chai thủy tinh đã chuyển sang Trung Quốc. Việc tăng thuế đối với các sản phẩm thủy tinh sẽ làm tăng chi phí sản xuất, và cuối cùng sẽ tác động đến giá tiêu dùng.
— CGTN America (@cgtnamerica) June 18, 2019
Trước đây, khi đáp trả những lời phàn nàn của giới kinh doanh, chính quyền Trump đã đề nghị tìm kiếm nhà cung cấp ở các quốc gia khác hoặc, thậm chí tốt hơn, mang hoạt động sản xuất về Mỹ. Nhưng, việc di chuyển cơ sở sản xuất là một quá trình rất tốn kém, và khác với việc áp thuế, quá trình này không thể được thực hiện nhanh chóng. Tức là, trong một thời gian nhất định, người sản xuất hoặc người tiêu dùng phải chịu chi phí bổ sung. Nếu nói về những người chỉ đơn giản mua một số linh kiện ở Trung Quốc, thì việc tìm kiếm và làm việc với nhà cung cấp khác cũng là một vấn đề. Một ví dụ là công ty Strikeforce Bowling LLC - nhà cung cấp các phụ tùng bowling. Theo tờ WSJ, Chủ tịch của công ty Strikeforce Bowling LLC đã cố gắng tìm kiếm các nhà sản xuất giày bowling ở Cộng hòa Dominican, Campuchia, Bangladesh để thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, không ai muốn thực hiện đơn đặt hàng cho các lô nhỏ như vậy. Do đó, Strikeforce Bowling LLC tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, vì công ty chỉ đơn giản không thể đạt thỏa thuận với bất kỳ ai khác.
Như dự kiến, trong tuần điều trần, đại diện của hơn 300 công ty Mỹ sẽ phát biểu tại Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, hầu hết trong số họ sẽ cố gắng giải thích với các quan chức từ Văn phòng Đại diện Thương mại tại sao cuộc chiến thương mại không phải là một lối thoát. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những phiên điều trần công khai này sẽ hữu ích cho quá trình giải quyết xung đột thương mại, - Giáo sư Lu Jian từ Trường Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc), nói với Sputnik.
“Tôi nghĩ rằng, rất khó để nói liệu Trump nhạy cảm với các yêu cầu của giới kinh doanh hay không. Bởi vì nếu tổng thống Mỹ tiếp cận vấn đề từ góc độ kinh tế, cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ không leo thang căng thẳng như hiện nay. Vì vậy, tôi cho rằng, Trump sẽ bỏ qua ý kiến của các doanh nhân cho đến khi ông chịu áp lực chính trị, sau đó Trump sẽ buộc phải thực hiện một số thay đổi. Chưa thể dự đoán, liệu Trump có sẵn sàng nhượng bộ một số công ty hay không, nhưng, rõ ràng là đến nay những lập luận của các công ty đó không có ảnh hưởng đáng kể đến ông. Trump có nỗi ám ảnh của mình, có cử tri của mình. Chỉ có rất ít doanh nhân mà Trump tính đến lợi ích của họ. Ông có những cân nhắc riêng, vì giờ đây điều quan trọng đối với Trump là để có nhiều cử tri hỗ trợ ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Và phần lớn cử tri của ông là những người có thu nhập trung bình và thấp, họ muốn làm việc tại Hoa Kỳ. Họ không nghĩ về hậu quả tương lai, về chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Đối với họ, điều quan trọng hơn là có việc làm ngay bây giờ. Ngoài ra, Trump có nỗi ám ảnh của riêng mình. Bất kể phần còn lại của thế giới đang nói gì, ông chú ý lắng nghe những tín hiệu từ phe đối lập trong nước, và điều đó củng cố niềm tin của Trump rằng, ông đang làm mọi thứ đúng cách. Đối với ông, điều quan trọng là bảo vệ ý tưởng của riêng mình, đó là lý do tại sao ông đang thực hiện những bước đi như vậy”.
Trước thềm phiên điều trần, hơn 600 công ty Mỹ đã viết thư cho Donald Trump, trong đó họ kêu gọi chính quyền Mỹ từ chối tăng thuế và đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Dữ liệu về hàng nhập khẩu của Mỹ trong năm qua cho thấy rằng, Hoa Kỳ đã mua hàng hóa Trung Quốc trị giá 66,3 tỷ USD và không có nhà cung cấp nào khác để thay thế Trung Quốc trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Intel và Qualcomm đã lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt đối với tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Giám đốc điều hành Huawei Ren Zhengfei gần đây đã thừa nhận rằng, lệnh cấm cung cấp linh kiện cho Huawei có thể khiến hãng này mất khoảng 30 tỷ USD doanh thu trong hai năm tới. Nhưng, lệnh cấm này cũng sẽ tước đi một phần doanh thu đáng kể của các công ty Mỹ. Rốt cuộc, trong tổng số 70 tỷ USD mà tập đoàn Trung Quốc đã chi trong năm 2018 cho việc mua linh kiện, 11 tỷ đã được chuyển giao cho Qualcomm, Intel và Micron Technology Inc. Theo ước tính của nhà sản xuất chip Broadcom Inc, công ty sẽ mất 2 tỷ USD doanh thu do các lệnh trừng phạt đối với Huawei. Theo Reuters, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ SIA đang tham khảo ý kiến với các quan chức Hoa Kỳ, cố gắng thuyết phục họ rằng không phải tất cả các sản phẩm của Huawei có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, và việc cấm cung cấp bất kỳ linh kiện nào cho công ty Trung Quốc sẽ không đem lại lợi ích nào mà chỉ gây hại cho các công ty Mỹ.