"Ông có nhận được đề nghị nào từ các liên đoàn bóng đá khác không?"
"Các anh chị luôn hỏi những câu rất khó. Tôi xin phép không trả lời. Tôi thực sự yêu Việt Nam và sẽ nỗ lực để trao đổi tốt nhất với VFF."
Đó là một phần cuộc đối thoại của HLV Park Hang-seo với báo giới hôm 13/3, trong cuộc gặp đầu tiên giữa ông với truyền thông Việt Nam sau Asian Cup.
Đoạn đối thoại nhỏ ấy là bằng chứng cho thấy gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo là nhiệm vụ không hề dễ dàng và sẽ khiến VFF mất rất nhiều thời gian, công sức từ nay tới hết năm 2019.
Vai trò của công ty đại diện
Gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo là câu chuyện nóng hổi của bóng đá Việt Nam thời gian qua. Nhiều ý kiến (cả từ các chuyên gia và người hâm mộ) đã cho rằng VFF chậm trễ trong chuyện này. Tuy nhiên, đàm phán hợp đồng không chỉ là chuyện riêng của VFF, cũng không phải là chuyện tay đôi giữa VFF và HLV Park Hang-seo.
Cuộc đàm phán này gồm có ba bên tham gia là VFF, HLV Park Hang-seo và công ty đại diện của ông. Trong đó, công ty đại diện đóng vai trò rất quan trọng. Chia sẻ với báo giới tại một sự kiện ở TP.HCM hôm 15/6, HLV Park Hang-seo xác nhận: “Hợp đồng là một vấn đề phức tạp. Tôi đã ủy quyền cho người đại diện và anh ấy sẽ tìm kiếm những thoả thuận chung cùng VFF”.
Cách công ty này đưa Xuân Trường, Công Phượng sang Hàn Quốc, kéo Kim Han-yoon về U23 Việt Nam, đưa Park Sung-gyun lên tuyển quốc gia, cho thấy năng lực của họ.
HLV Park Hang-seo là người làm chuyên môn thuần túy nhưng công ty đại diện của ông là những nhà kinh doanh. Ông Park là cái tên sáng giá bậc nhất của họ. VFF muốn gia hạn hợp đồng với thầy Park nhưng họ không thể một mình quyết định chuyện này. Thỏa thuận sẽ chỉ đạt được nếu công ty đại diện tin rằng Việt Nam vẫn là lựa chọn số một của họ, vẫn là nơi mang tới nhiều quyền lợi nhất.
Sẽ ra sao nếu công ty đại diện đưa ra một lời đề nghị quá cao? Sẽ ra sao nếu đó là một mức lương mà VFF không thể đồng ý?
Thời điểm vàng cho cuộc đàm phán
Việc gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo bắt đầu được nhắc tới nhiều sau vòng chung kết Asian Cup hồi tháng 1. Dù vậy, đó rõ ràng chưa phải thời điểm thích hợp cho đôi bên ngồi lại cùng nhau.
Ở bình diện châu Á, giai đoạn hậu Asian Cup chứng kiến cuộc “thay máu” hàng loạt trên băng ghế huấn luyện của nhiều đội tuyển. Thái Lan và Ấn Độ, hai đội cùng dự King’s Cup với Việt Nam, đều đã thay đổi HLV.
Iran, đối thủ của Việt Nam ở Asian Cup, chia tay Carlos Queiroz sau 8 năm gắn bó. Tháng 5, tháng 6 cũng là thời điểm giữa mùa các giải vô địch quốc gia châu Á, là giai đoạn các CLB thay đổi ghế huấn luyện. Muangthong, đội bóng của Đặng Văn Lâm, là một ví dụ.
Đặt mình vào vị trí công ty đại diện của HLV Park Hang-seo, trong thời điểm thị trường nhộn nhịp ấy, chúng ta có muốn đứng ngoài không? Kể cả khi không tham dự, việc tối thiểu họ nên làm là chờ đợi, lắng nghe những cơ hội từ thị trường.
Với Việt Nam, hậu Asian Cup là thời điểm chúng ta chuẩn bị bước vào hai cuộc đối đầu quan trọng với người Thái tại vòng loại U23 châu Á 2020 và King’s Cup 2019.
Cho tới lúc ấy, Thái Lan vẫn là đối thủ lớn cuối cùng, thử thách duy nhất mà HLV Park Hang-seo chưa thể chinh phục ở Đông Nam Á. Chưa thắng được Thái Lan, ông Park chưa thể lấy trọn niềm tin của người Việt đồng thời chưa tạo ra lợi thế vượt trội trên bàn đàm phán.
Và giờ thì cả hai điều kiện trên đã hội đủ. Các đội tuyển ở châu lục (trừ Thái Lan) đều đã ổn định băng ghế huấn luyện, và hai đội tuyển của thầy Park liên tiếp đánh bại Thái Lan.
Hậu King’s Cup cũng là quãng nghỉ dài nhất của các đội tuyển Việt Nam trong năm 2019. Với hai tháng rưỡi từ nay tới vòng loại World Cup vào tháng 9, VFF và HLV Park Hang-seo có lẽ đã tìm thấy “thời điểm vàng” cho cuộc đàm phán gia hạn.
Chia sẻ với báo giới hôm 12/6, Phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông Cao Văn Chóng xác nhận: “Chúng tôi không đợi đến thời điểm 3 tháng trước khi hợp đồng cũ đáo hạn mới đàm phán mà ngay từ bây giờ, công việc thương thảo đã được khởi động”.
VFF cần thời gian kiện toàn
Những người chỉ trích VFF cần hiểu rằng tổ chức này vừa mới kiện toàn lại bộ máy nhân sự sau Đại hội VIII diễn ra hôm 8/12, ít ngày trước khi Việt Nam dự chung kết AFF Cup 2018 với Malaysia.
Đại hội VIII kết thúc mang tới sự thay đổi ở 3/5 vị trí lãnh đạo cao cấp của liên đoàn. Với từng ấy sự thay đổi, VFF cần thời gian để định hình, tổ chức lại hoạt động, các lãnh đạo mới cần thời gian để tiếp quản công việc từ người cũ.
Đại hội VIII sẽ định hướng và lãnh đạo bóng đá Việt Nam trong 4 năm từ nay tới 2022. Với nền bóng đá, sự ổn định của VFF quan trọng không kém việc gia hạn hợp đồng cùng HLV Park Hang-seo.
Một vấn đề khác liên quan tới Đại hội VIII là cuộc chia tay chính thức của Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức. Trong suốt một thời gian dài, bầu Đức và các doanh nghiệp bên cạnh ông đã hỗ trợ, trả lương trực tiếp cho HLV Park Hang-seo. Mối quan hệ thân mật giữa thầy Park và HAGL là bằng chứng rõ ràng cho chuyện đó.
Khi ông Đức không còn là phó chủ tịch tài chính, sự hỗ trợ ấy liệu có bị ảnh hưởng? Các nguồn tin cho biết mức lương của HLV Park Hang-seo ở vào khoảng 20.000 USD/tháng.
Con số trong hợp đồng mới chắc chắn phải cao hơn, “xứng đáng với năng lực, cống hiến của ông ấy với bóng đá Việt Nam” như chia sẻ của Phó chủ tịch Cao Văn Chóng. Mức lương của thầy Park chắc chắn là bài toán kinh tế mà VFF phải xem xét rất kỹ trước khi tái ký.
Tóm lại, quá trình đàm phán gia hạn của VFF với HLV Park Hang-seo và công ty đại diện là một công việc phức tạp, lâu dài. Thành bại của việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các chiến lược của đội tuyển quốc gia trong vài năm tới.
VFF, hơn tất cả, là những người hiểu rõ nhất điều cần làm trong thời gian tới.