Hội đồng Cạnh tranh vừa công bố quyết định về việc xử lý thương vụ Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam sau khi nghiên cứu hồ sơ, xác minh, lấy lời khai các bên liên tại phiên điều trần ngày 11/6.
Theo đó, Hội đồng xử lý vụ việc không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam.
"Việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa hai công ty này không cấu thành hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp", Hội đồng giải thích.
Quyết định trên của Hội đồng Cạnh tranh (Bộ Công thương) có hiệu lực sau 30 ngày từ ngày ký.
Trong thời gian này, nếu quyết định không bị khiếu nại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp phí xử lý vụ việc vào ngân sách.
Trước đó, đơn vị này đã tiến hành điều tra sơ bộ và kết quả cho thấy, việc tập trung kinh tế giữa hai doanh nghiệp gọi xe khiến thị phần vượt ngưỡng 50% nên có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh 2004.
Theo quy định Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
Tuy nhiên, khi đó, GrabTaxi gửi văn bản giải trình cho biết, thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam thấp hơn 30%. Đồng thời, Grab cho rằng các bên tham gia giao dịch "không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất tại Việt Nam".
Cuối tháng 3/2018, Grab thâu tóm lại toàn bộ hoạt động của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% cổ phần của Grab.