Những năm trước, hãng xe Nga đã lắp ráp ô tô tại Việt Nam: xe tải tự đổ dành cho nhu cầu ngành khai thác mỏ, cũng như khung gầm cho các nhà sản xuất Việt Nam: xe có mặt sàn rộng, xe bồn chở các sản phẩm dầu và chất lỏng, xe chuyên dụng. Tuy nhiên ở một giai đoạn nhất định, việc nhập khẩu xe tải thành phẩm trở nên có lợi hơn. Theo Tổng giám đốc KamAZ, hiện tại tình hình tại thị trường ô tô Việt Nam lại một lần nữa thay đổi theo hướng thuận lợi cho việc lắp ráp tại chỗ. Đặc biệt, các cấu trúc quân sự Việt Nam bắt đầu hiện đại hóa đội xe. Họ sẵn sàng mua và sử dụng KamAZ, nhưng đưa ra một điều kiện hoàn toàn tự nhiên: xe phải được lắp ráp nội địa.
Sputnik đã đề nghị Vasily Tsyganov, phó tổng giám đốc phụ trách Ngoại thương công ty KamAZ, người biết rõ tình hình thị trường xe hơi Việt Nam, nhận xét về thông tin này.
«Công ty của chúng tôi từ lâu đã là cổ đông tại nhà máy lắp ráp tại Cẩm Phả - công ty con thuộc Tập đoàn VINACOMIN. Và nhà máy này ngày nay gần như là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có sự tham gia của một nhà sản xuất ô tô Nga. Hiện xí nghiệp tham gia vào việc đại tu xe ô tô và thiết bị khai thác mỏ hạng nặng. KamAZ là cổ đông lớn nhất của nhà máy. Ngoài ra chúng tôi cùng với VINACOMIN thành lập công ty VMIC. Ở đây chúng ta đang nói về việc nối lại công việc sản xuất lắp ráp tại các cơ sở hiện có. Tất cả các công việc được thực hiện trên cơ sở Nghị định thư về hợp tác đầu tư sản xuất xe cơ giới, được ký giữa chính phủ Liên bang Nga và Việt Nam. VMIC có tư cách như một bên tham gia thỏa thuận. Hiện tại đang hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc nhận được các ưu đãi”, Vasily Tsyganov nói.
Với câu hỏi của «Sputnik” về danh mục các sản phẩm được đề xuất lắp ráp tại nhà máy Việt Nam, về khối lượng sản xuất, Vasily Tsyganov đã trả lời:
«Hiện tại, các bộ linh kiện lắp ráp đã được chuẩn bị. Danh sách các sản phẩm cũng được xác định. Ưu tiên chính cho các xe dân sự, phục vụ nông nghiệp. Và các mẫu xe dùng cho các cơ quan quyền lực là một triển vọng. Nếu các quan chức Việt Nam tỏ ra quan tâm đến các sản phẩm của chúng tôi, đơn hàng của họ sẽ được thực hiện. Năng lực sản xuất của công ty tại thị trấn Cẩm Phả cho phép sản xuất tới 2000 chiếc xe mỗi năm (mà không cần hiện đại hóa dây chuyền sẵn có). Chúng tôi muốn lắp thêm, nhưng tạm thời chỉ sản xuất đủ số lượng xe mà thị trường Việt Nam có thể «nuốt” hết. Xét cho cùng, lắp ráp không phải là giai đoạn kết thúc, mà là một trong những cách để đưa sản phẩm đến gần nhất với người tiêu dùng (có tính đến các đặc điểm của thị trường này). Mặt khác, KamAZ muốn trở thành người tham gia phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam».
Khi KamAZ mới bắt đầu phát triển thị trường xe hơi Việt Nam, một mục tiêu phạm vi dài hạn đã được thiết lập - để cơ sở lắp ráp tại Việt Nam thành một bàn đạp cho thương hiệu thâm nhập vào thị trường các nước Đông Nam Á, có sự quan tâm đến xe ô tô Nga. Và Tổng giám đốc KamAZ đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố vững chắc vị trí tại các thị trường châu Á. Liệu đây có phải là mục tiêu chiến lược ngày hôm nay?
«Nếu chúng ta thành công nâng cao mức độ nội địa hóa cần thiết trong sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, các sản phẩm sẽ được hưởng những ưu đãi đáng kể trên lãnh thổ của tất cả các nước ASEAN, Vasiliy Tsyganov trả lời. Tuy nhiên công ty chưa bao giờ ngừng mở rộng sang thị trường các quốc gia khác trong khu vực. Các nhà phân phối Việt Nam của chúng tôi đang hoạt động trên thị trường Lào và Campuchia. Việc giao hàng được thực hiện thường xuyên. Mặc dù với số lượng còn khiêm tốn».