Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội quy định tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam đang khiến rất nhiều người lao động (NLĐ) không đồng tình.
Nói về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB-XH (cơ quan soạn thảo dự luật) đưa ra 3 lý do: dân số VN đang già hóa, tương lai thiếu lao động là nhãn tiền; vỡ Quỹ BHXH; khả năng lao động sau tuổi nghỉ hưu của người Việt Nam là cao.Tuy nhiên, theo nhiều bạn đọc, viện dẫn này của Bộ LĐ-TB-XH là không thuyết phục.
Bạn đọc Hoàng Lan, bày tỏ: "Ban soạn thảo luật hãy xuống và lắng nghe ý kiến của những người lao động (NLĐ) trực tiếp mới thấu hiểu rõ nguyện vọng của họ. Xin hãy căn cứ vào cả số năm đóng BHXH của NLĐ. Nếu chỉ căn cứ vào tuổi mà không có qui định rõ: NLĐ nặng nhọc và độc hại, người suy giảm sức khoẻ khi đã đóng BHXH được 30 năm thì dù có về hưu sớm vẫn được hưởng 75% lương hưu thì sẽ thiệt thòi cho những người tham gia lao động và đóng BHXH sớm. Vì cứ thiếu một tuôi NLĐ lại bị trừ 2% lương hưu . Vậy thi lương của những người nghỉ sớm sẽ rất thấp!"
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thanh Hoàng Mai, góp ý: "Phụ nữ sinh đẻ nhiều, ở Việt Nam chăm sóc nhà cửa con cái chính là người mẹ, nhiều áp lực và stress trong cuộc sống. Nếu là công nhân (CN) còn phải cực khổ hơn, làm ca, lao động trực tiếp. Nên xem xét cho chúng tôi nghỉ hưu 55 tuổi thay vì 60 tuổi".
Cùng quan điểm, bạn đọc có nickname xanaloi_hks-tna, viết: "Với thời đại 4.0, mà người làm việc máy móc nhiều mắt sẽ hỏng rất nhanh, người ta nói mắt mờ chân chậm, làm sao mà nhanh như lớp trẻ được, trong lúc đó máy móc ngày một hiện đại hóa. Không những CN làm việc trực tiếp mà người ngồi bàn giấy như chúng tôi theo làm sao kịp với máy tinh đời cao như bây giờ, vì thế tuổi nghỉ hưu 55 đối với nữ, 60 đối với nam là được rồi, để cho lớp trẻ có việc làm nữa chứ".
Theo bạn đọc Trần Thị Anh Đào, trên thực tế NLĐ trong doanh nghiệp không thể làm tốt công việc của mình khi tuổi đã cao. Các doanh nghiệp luôn muốn tuyển dụng những người trẻ tuổi và cho người lớn tuổi nghỉ việc.
Nhiều bạn đọc cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu phải phân biệt cho rõ ràng lao động có mấy loại. loại nào nên nghỉ sớm loại nào được nghỉ muộn chứ không vơ đũa cả lắm với nhóm công chức, viên chức vàHành chính sự nghiệp được. "Hãy để cho các lao động trẻ học xong ra trường được lao động và cống hiến sức trẻ chất lượng ngắn ngủi của mình"- một bạn đọc, góp ý.
Bạn đọc Mạnh Dũng, thì viết: "Tăng để làm gì trong khi lực lượng lao động của ta không hề thiếu, thậm chí là dư thừa hay tăng chỉ nhằm mục đích tăng thu cho quỹ BHXH và bớt chi khi NLĐ nghỉ hưu?" Theo nhiều bạn đọc, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ còn nhiều bất cập và không thực tế. Thậm chí, đó là cái cớ để NLĐ bị trừ % khi tính tuổi nghỉ hưu. "Doanh nghiệp thì cần NLĐ trẻ khỏe, ngoài 50 tuổi là họ xếp vào không đáp ứng được công việc. Nghỉ hưu là bị trừ quá nhiều..."- bạn đọc Nguyễn Hồng Sơn, góp ý. Còn bạn đọc Tu – ha, viết hài hước: "CN mà được làm khu vực có điều hòa, chế độ chăm sóc sức khỏe hằng quý, ăn uống có kiểm định hằng ngày thì hãy nâng tuổi nghỉ hưu.
Bạn đọc tên Phạm đề xuất: "Cần nghiên cứu, xem xét và đánh giá một cách toàn diện, khách quan và khoa học để quyết định một chủ trương lớn. Tránh tình trạng pháp luật ban hành rồi sửa, thay đổi ... gây xáo trộn tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống CN".
Quy định tuổi nghỉ hưu thấp, dẫn tới thời gian tham gia đóng BHXH ngắn?
Bộ LĐ-TBXH dẫn rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, tuổi thọ của người VN đã tăng từ trung bình 59 năm 1960 lên 73 năm 2014, nhưng tuổi nghỉ hưu từ 1961 đến nay không đổi. VN sẽ bước vào giai đoạn "dân số già" trong 2 thập niên tới khi chỉ số già hóa dự kiến tăng từ 43,3 năm 2014 lên hơn 100 năm 2032 (theo Tổng cục Thống kê, 2014), nghĩa là cứ mỗi 100 người dưới 15 tuổi thì có trên 100 người trên 60 tuổi vào năm 2032. Trong số 10 quốc gia ASEAN, chỉ số già hóa dân số của VN xếp thứ ba, chỉ thấp hơn Thái Lan và Singapore. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động. Ngược lại, tuổi nghỉ hưu của VN được cho là "có đặc trưng" thấp, đặc biệt đối với nữ giới và nhóm dân số được sắp xếp nghỉ hưu sớm. Mặc dù tuổi nghỉ hưu quy định là 55 đối với nữ và 60 đối với nam, song thực tế tuổi nghỉ hưu trung bình chỉ là 54,2 năm (nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi). Quy định tuổi nghỉ hưu thấp, theo Bộ LĐ-TB-XH, dẫn tới thời gian tham gia đóng BHXH ngắn (số năm đóng góp trung bình đối với nam là 28, nữ 23) trong khi đó thời gian hưởng hưu trí dài.
Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng, hệ thống lương hưu của nước ta được cho là "phóng khoáng" so với nhiều quốc gia trên thế giới , cho phép lương hưu đạt tối đa 75% mức tiền lương làm căn cứ tính hưởng BHXH sau 30 năm đóng góp đối với nam và 25 năm đóng góp đối với nữ, nên "mức lương hưu là quá cao".
Theo tính toán của BHXH VN, số năm hưởng lương hưu bình quân là 19,5 năm, trong đó nam là 16,1 năm và nữ 22,9 năm; nhưng tính trung bình, tiền đóng BHXH của một người trong 28 năm chỉ đủ chi trả cho chính người đó trong vòng 10 năm, nên thời gian hưởng còn lại (khoảng 9,5 năm) "sẽ phải lấy từ nguồn đóng góp, chia sẻ của các thế hệ sau".