Liên tục đưa ra lời hứa rồi lại lỗi hẹn vận hành, giờ đây, người dân đã thực sự thấy mệt mỏi với "công trình thế kỷ" nằm chềnh ềnh như một cái gai trước mắt hàng triệu người dân Thủ đô và có dịp về Thủ đô.
Từ khi khởi công xây dựng đến nay, công trình này đã gây biết bao phiền toái, bàn luận, nó trở thành "biểu tượng" cho rất nhiều thiếu sót, hạn chế trong quản lý và sử dụng vốn vay phát triển hạ tầng.
Dự án vốn ban đầu là hơn 8700 tỷ đồng, đến năm 2016 điều chỉnh nâng lên 18.000 tỷ đồng. Dự kiến dự án đi vào vận hành vào năm 2013. Tuy nhiên cho đến nay, dự án vẫn chưa đưa vào vận hành thương mại. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời trước Quốc hội hôm 5/6 vừa qua cho biết: hiện dự án đã hoàn thành 99% hạng mục, còn 1% là một số hạng mục nhỏ về công tác xây lắp, đặc biệt là phải chứng minh được an toàn hệ thống.
Vâng, chỉ 1% chưa hoàn thiện, nhưng đó là phần cốt tử của dự án, dẫn đến dự án nghìn tỷ nằm đắp chiếu, phơi sương, còn người dân thì phải chịu cảnh ùn tắc giao thông không có lối thoát. 1% này không biết bao giờ mới khỏa lấp được?
“Của đau con xót”, chỉ cần nhìn con số đội vốn, nhìn vào khoản lãi mà hàng ngày công trình “đẻ” ra đang đè nặng lên ngân sách ai cũng thấy xót xa. Bởi, chỉ bằng mắt thường, bằng những quan sát thực tế của một người dân cũng đã thấy công trình này đang rơi vào bế tắc, nếu có đi vào hoạt động cũng không hiệu quả.
Đây là một thất bại, là một bài học đau xót về công tác quản lý đầu tư, thương thảo hợp đồng... khi triển khai các công trình trọng điểm quốc gia.
Không phải nhìn đâu xa, ngay dưới chân đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là tuyến buýt nhanh BRT đầu tư hàng nghìn tỷ nhưng lại trở thành “cái gai” của giao thông đô thị, khi nó nhiễm nhiên chiếm một phần đường lớn vào giờ cao điểm mà chỉ để chở một vài hành khách.
Dừng việc đầu tư hoàn thiện đường sắt đô thị có lẽ không phải là quyết định đơn giản nhưng với tình trạng như hiện nay việc nuôi con đường này được nhiều người ví von “như nuôi con nghiện” trong nhà. Giả sử đường sắt có đi vào hoạt động thì cũng lại chung số phận như BRT, bởi tính kết nối quá kém. Đừng “cố đấm ăn xôi” nữa để rồi gánh nặng nợ nần lại đè nặng lên quốc gia.
Không thể để những người được giao nhiệm vụ quản lý đầu tư, xây dựng, vận hành công trình nghìn tỷ này liên tục “nuốt lời” trước nhân dân mà không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào.
Và có lẽ nên tặng thêm cho công trình này một công năng khác: Bảo tàng kinh nghiệm thất bại trong quản trị các dự án trọng điểm quốc gia .