Bà Thu Hằng khẳng định: Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho những thách thức đến từ quy định ngày càng siết chặt hơn trong xuất khẩu.
Cụ thể, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao tại Hà Nội chiều 4-7, bà Thu Hằng nói: “Chúng tôi đã trao đổi với Bộ Công thương, và hiện nay Bộ này đã cảnh báo doanh nghiệp trong nước rằng các đối tác nước ngoài, trong đó có Mỹ, có thể thay đổi quy định, đề ra những yêu cầu khắt khe hơn”.
Cũng theo bà Thu Hằng, hiện các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến nghị nên chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu trong nước và các nguồn khác.
Đồng thời, các cơ quan - ban ngành liên quan của Việt Nam cũng sẽ trao đổi sâu sát với phía Mỹ để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, cũng như ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Trước đó ngày 3-7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo áp mức ký quỹ (cash deposit rate) 456,23% lên giá trị đơn hàng một số loại thép nhập từ Việt Nam.
Cụ thể theo 3 phán quyết sơ bộ gần đây, phía Mỹ cho rằng: một số mặt hàng bị nhắm tới được sản xuất từ Hàn Quốc và Đài Loan, sau đó được đưa sang Việt Nam gia công trước khi xuất khẩu qua Mỹ.
Những mặt hàng này bao gồm các sản phẩm thép không gỉ và thép cán nguội. Phía hải quan Mỹ được yêu cầu nhận đặt cọc bằng tiền mặt với mức 456,23% giá trị của mặt hàng.
Trưởng kinh tế gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ING Bank, Robert Carnell, nhận định: đây là điều không mấy bất ngờ khi các doanh nghiệp tìm cách đưa hàng qua các quốc gia đang phát triển như Việt Nam để tránh mức thuế cao.
Trong một trường hợp tương tự, Cục Hải quan và biên phòng Mỹ đang điều tra 6 doanh nghiệp nước này vì nghi vấn trốn thuế chống bán phá giá.
Các doanh nghiệp này được cho là đã nhập khẩu và khai báo gian dối về các phụ kiện ống thép carbon từ Trung Quốc sang Campuchia, theo Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh.
Bloomberg nhận định Mỹ đang trở nên khắt khe hơn với Việt Nam, kể từ khi giới chuyên gia nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Việt Nam tuyên bố sẽ nỗ lực để giảm thặng dư thương mại với Mỹ và đã tiến hành truy xét nguồn gốc xuất xứ, cam kết trừng phạt các nhà sản xuất Trung Quốc trốn thuế nhập khẩu dùng chiêu thức đẩy hàng sang Đông Nam Á rồi xuất qua Mỹ.
Thặng dư thương mại hằng năm của Việt Nam so với Mỹ đã vượt mốc 20 tỉ USD kể từ năm 2014 và cán ngưỡng 39,5 tỉ USD trong năm 2018.
Đây là mức kỷ lục kể từ năm 1990, theo Cơ quan Thống kê Mỹ.