Băng rôn/banner quảng bá của cuộc thi Chương trình Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 xuất hiện trên mạng, lập tức khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Cộng đồng mạng đồng loạt dấy lên câu hỏi tại sao lại có danh hiệu lạ lùng như vậy? Thế nào là Nữ hoàng văn hóa tâm linh? Đơn vị nào cấp phép tổ chức để trao danh hiệu lạ lùng như vậy?
Danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh là khái niệm lắp ghép ẩu, luộm thuộm và vô nghĩa. Trong tâm linh có yếu tố văn hóa mà tâm linh vốn dĩ là thứ không cầm, không nhìn thấy được.
Theo tìm hiểu, danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam" do Trung ương Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần XNK ô tô Ngọc Minh phong tặng năm 2018.
Liên hệ với Cục Nghệ thuật biểu diễn về cuộc thi này, đại diện Cục cho biết, Cục đã rà soát và không thấy có cuộc thi nào như thế và không có danh hiệu nào là “Nữ hoàng văn hoá tâm linh”. Bản thân ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nói với báo chí trong buổi chiều 6/7:
"Bản thân tôi chưa bao giờ nghe hay để ý thấy danh hiệu nào là Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam". Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết Cục đang yêu cầu các cán bộ của Cục tiếp tục xác minh lại việc này.
Nếu đúng như những gì mà đại diện Cục NTBD nói ở trên thì danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” của bà Ngân ở đâu mà ra?
Danh hiệu giả chống hàng giả?
Nữ hoàng Văn hóa tâm linh Việt Nam 2018 Phạm Nữ Hiền Ngân sinh năm 1987, quê thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Mẹ mất sớm, ba làm công chức nhà nước. Khi lớn lên, bà Hiền Ngân vào TP Quy Nhơn bươn chải mưu sinh kinh qua nhiều công việc rồi sau đó chuyển đến TP HCM sinh sống.
Khi vào TP HCM, bà Hiền Ngân được nhiều người biết đến với việc tham gia hầu đồng, một nghi lễ tâm linh trong các phủ, đền ở Việt Nam. Đến tháng 7/2018, bà Hiền Ngân được đăng quang danh hiệu "Nữ hoàng Văn hóa tâm linh Việt Nam".
Và mới đây, Phạm Nữ Hiền Ngân được bầu giữ chức Phó trưởng ban, Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam tại TP HCM.
Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam chính thức ra mắt ngày 28-6 tại TP.HCM. Ban thuộc Viện Công nghệ chống làm giả, hoạt động với tinh thần bảo vệ người dùng và sản xuất. Cơ cấu của Ban này gồm 1 trưởng ban và 5 phó ban đều là các cá nhân hoạt động tại các đơn vị trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong 5 phó ban thì có duy nhất bà Phạm Nữ Hiền Ngân không phải doanh nhân.
Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt thuộc Viện Công nghệ chống làm giả tại TP.HCM và là cơ quan trực thuộc Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam ((VATAP).
Viện Công nghệ chống làm giả cũng là đơn vị thường xuyên tổ chức các chương trình tôn vinh thương hiệu doanh nghiệp trong nước, trong đó nổi bật nhất là vụ đơn vị này vinh danh Công ty Vinaca - một doanh nghiệp sản xuất thuốc ung thư giả bằng bột than tre khiến cho Cựu tổng giám đốc Vinaca bị xử phạt 22 năm tù về hành vi sản xuất thuốc giả.
Cái thú vị ở đây là Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam ((VATAP) được thành lập 14 năm nhưng chưa xử được một vụ hàng giả nào.
Năm 2018, dư luận cũng đã được một phen bức xúc về việc “Lãnh đạo Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam dùng bằng giả?”. Cụ thể là ông Nguyễn Trọng Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) dùng bằng giả, việc này càng khiến niềm tin người dân đi xuống.
Và đến năm 2019, một vị trí phó Ban của Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam thuộc VATAP lại dùng “danh hiệu giả” chống “hàng giả”.
Công ty xuất nhập khẩu ô tô tổ chức cuộc thi sắc đẹp.
Trên băng rôn/banner quảng bá của Chương trình Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019, ghi rõ: Chương trình diễn ra từ 18h - 22h ngày 13/7 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội. Khung giờ từ 18h-19h30: sự kiện thảm đỏ nhằm tìm kiếm Nữ hoàng thảm đỏ. Từ 19h30-22h là Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam. Khách mời của chương trình là những danh hiệu Nữ hoàng “bất hủ”: Nữ hoàng văn hóa tâm linh, Nữ hoàng thực phẩm, Á hoàng 2 Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam…
Trước thông tin này, ông Tô Văn Động Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết hiện nay Sở chỉ tiếp nhận chương trình biểu diễn nghệ thuật, không phải tổ chức cuộc thi. Cụ thể Sở Hà Nội chỉ tiếp nhận tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” của Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh tổ chức chứ không phải là cuộc thi sắc đẹp.
Theo quy định của Nghị định tổ chức nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi xin giấy phép ở đâu sẽ phải tổ chức các vòng thi ở địa phương đó. Vì vậy, Hà Nội không thể tiếp nhận cho phép tổ chức chung kết cuộc thi nếu đơn vị tổ chức xin phép Sở VH,TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc. Còn nếu đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật thì việc đơn vị tổ chức thực hiện các màn thi và trao giải cho các danh hiệu là sai quy định.
Nghị định 79 và Nghị định 15 sửa đổi về hoạt động biểu diễn, thi người đẹp người mẫu quy định rõ, “Hà Nội không được tiếp nhận một cuộc thi do địa phương khác cấp phép. Trong trường hợp đây chỉ là chương trình biểu diễn nghệ thuật, BTC không được phép tổ chức các màn thi và trao giải các danh hiệu”.
Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội khẳng định sẽ để Thanh tra vào cuộc kiểm tra thật kỹ quá trình tổ chức chương trình này. Nếu phát hiện có bất kỳ vi phạm nào sẽ ngay lập tức thu hồi giấy phép và bắt ngừng tổ chức.
Hiện dư luận đang đặt câu hỏi, Công ty xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh có chức năng kinh doanh dịch vụ về nghệ thuật biểu diễn không mà lại được cấp phép tổ chức chương trình này. Chưa kể các danh xưng khách mời: Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam, Á hoàng 2 Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam… cũng cho thấy có sự nhập nhèm về danh hiệu.
Được biết, người phụ nữ giành ngôi vị cao nhất cuộc thi 'Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019' sẽ là chủ nhân của chiếc vương miện trị giá 1,8 tỉ đồng. Vương miện được làm bằng vàng và đính kim cương lấy ý tưởng từ bông hoa sen – quốc hoa Việt Nam.
Không phải cuộc thi, chỉ là tôn vinh hội viên
Các thông tin liên quan đến bà Phạm Nữ Hiền Ngân, người được nhắc đến với danh hiệu "Nữ hoàng văn hoá tâm linh Việt Nam 2018" trong vài ngày qua đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng.
Danh hiệu này do Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần XNK Ô tô Ngọc Minh tổ chức và trao tặng.
Trao đổi với PV Trí Thức Trẻ vào sáng 8/7, bà Vũ Thị Hoài Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam xác nhận, "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018" do đơn vị trao tặng và nằm trong chương trình "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam".
Theo bà Thanh, trong năm 2018, Hội đã trao hơn 20 danh hiệu liên quan đến "Nữ hoàng" cho các hội viên tiêu biểu trong các lĩnh vực, ngành nghề.
Giải thích về việc, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết chưa bao giờ nghe thấy danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam' và không có cuộc thi nào như thế này, bà Thanh cho hay, đây không phải là một cuộc thi mà chỉ là chương trình nhằm tôn vinh cho các hội viên tiêu biểu trong các lĩnh vực, ngành nghề.
"Chương trình tôn vinh nữ hoàng của Hội chúng tôi không phải là một cuộc thi, bởi nếu là một cuộc thi thì phải được cấp phép theo đề án và trải qua các vòng thi.
Đây là chúng tôi tôn vinh cho các hội viên có thành tích nổi bật và những gì bên Hội làm có những quy định, quy chế cụ thể, không có gì làm sai, vi phạm cả.
Ngoài việc tôn vinh cho các hội viên, chúng tôi còn làm một số chương trình khác nhưng chủ yếu làm cho các hội viên", bà Thanh nhấn mạnh.
Tổng Thư ký Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cho biết thêm, danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018" không phải có một mình bà Hiền Ngân mà có nhiều người khác cùng có đơn tham gia xét để được trao.
"Nếu mà có một mình bà Hiền Ngân thì đâu cần phải xét nữa. Tôi ví dụ ở các cuộc thi khác thì một phải đấu bao nhiêu mới có thể được danh hiệu, nhưng ở bên chúng tôi chủ yếu là hội viên nên chỉ ở trong một chừng mực nào đó", bà Thanh nêu.