Mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kí kết hiệp định thương mại tự do EVFTA, đây là cơ hội cho các mặt hàng, đặc biệt mặt hàng chủ lực như: dệt may, da giày; nông sản, gỗ… Tuy nhiên, để vào thị trường khó tính này, doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt, đặc biệt về vấn đề truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chất lượng Việt Nam Online (Vietq.vn) đã có trao đổi nhanh với ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư tại Đức để hiểu hơn về thị trường Đức, EU và những rào cản khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này.
Nhiều người cho rằng, khi vào châu Âu thì rào cản thương mại mới là điều chính chứ không phải vấn đề giá, hay thuế. Ông đánh giá như nào về vấn đề này?
Khi thuế của chúng ta được về 0% nhưng chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật là điều quan trọng nhất. Tôi hi vọng, khi hiệp định EVFTA được áp dụng một vài năm đầu tiên, Việt Nam chỉ cần tiếp cận được năng lực quản trị, trình độ công nghệ của EU đã giải quyết cơ bản bài toán kinh doanh trong nước.
Sau đó, chúng ta cần một lộ trình bài bản (khoảng 3-5 năm) để doanh nghiệp Việt nắm bắt tốt cơ hội từ hiệp định EVFTA.
Theo ông, đâu là điểm yếu mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải khi sang thị trường EU?
Điểm yếu lớn nhất là trình độ công nghệ, quản trị, đặc biệt là chất lượng sản phẩm của ta có nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, Khi mở cửa hàng rào thuế quan 100%, chúng ta có thể vào được ngay nhưng rào cản về các biện pháp kỹ thuật mới là điểm cần lưu ý. Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hiệp định này, trên cơ sở đó tìm được điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của chúng ta. Cơ hội lớn là chúng ta học hỏi nhiều trình độ năng lực quản trị, công nghệ, qua đó cải thiện điều kiện sản xuất.
Là một nhà đầu tư trong số các nhà đầu tư Việt Nam tại Đức, những lĩnh vực nào của họ mà chúng ta nên quan tâm?
Các lĩnh vực mà chúng ta nên quan tâm đó là máy móc, thiết bị; các sản phẩm hàng tiêu dùng. Hiệp định này, có lợi cho người dân vì làm cho giá thành giảm, chất lượng sản phẩm nâng cao.
Hiện nay, các lĩnh vực mà chúng tôi đầu tư sang Đức là những mặt hàng nông sản như: chè, hạt điều, hạt tiêu; các sản phẩm da giày, thời trang cho lao động phổ thông, y tế…
Để dệt may, da giày xuất khẩu vào thị trường Đức, theo ông đâu là những thuận lợi và khó khăn mà doanh nghiệp Việt gặp phải?
Thị trường châu Âu khi vào các quốc gia thì cơ hội nhiều nhưng cạnh tranh rất lớn. Mảng dệt may và da giày là một trong những lợi thế của Việt Nam, Tôi mong rằng, chúng ta nên bắt kịp nhanh xu hướng thời trang thế giới để liên tục thay đổi, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Hơn nữa, chúng ta có thể tấn công vào các thị trường lớn, khó tính như Đức. Bởi khi chinh phục được thị trường Đức, dệt may, da giày Việt Nam dễ dàng tiếp cận những thị trường khác trong EU.
Trước nay, chúng ta thường đi vòng khi xuất khẩu sang các nước thứ 3. Với hiệp định này, chính sách FTA được áp dụng thì chúng ta nên đi thẳng vào các nước khó tính.
Đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, các mặt hàng xuất khẩu sang thị trưởng EU sẽ gặp những rào cản gì?
Đối với thị trường Đức nói riêng và cả EU nói chung, khi nông sản Việt Nam xuất khẩu sang phải đảm bảo những yêu cầu rất nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.
Điều khó khăn nhất hiện nay khi tham gia hiệp định này là các quy chuẩn kỹ thuật với các doanh nghiệp Việt Nam, tiêu chuẩn về hàng hóa vào châu Âu. Như chúng ta đã rõ, EU là thị trường khó tính, đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là rào cản lớn. Do đó, nông sản Việt muốn xuất khẩu sang thị trường EU thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu.
Tôi nghĩ rằng, sự khó tính đó sẽ giúp doanh nghiệp Việt hoàn thiện hơn và tạo được uy tín, thương hiệu cho sản phẩm Việt.
Hơn nữa, doanh nghiệp Việt nên làm đúng, làm thật đối với tất cả các mặt hàng trong nước và xuất khẩu. Vì như vậy sẽ tạo ra giá trị riêng của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với những mặt hàng của các quốc gia khác.
Ngoài ra, việc tham gia EVFTA, Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm sản xuất của châu Âu. Từ đó giúp cho kim ngạch xuất khẩu tăng lên.